* Tại châu Á, đến nay ghi nhận hơn 25 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 398.356 ca tử vong.
Ở khu vực Đông Nam Á, tính đến tối 2/2, Indonesia ghi nhận tổng số 1.334.634 ca mắc bệnh, bao gồm 36.166 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm 5.560 ca mắc mới Covid-19 và 185 ca tử vong trong 24 giờ trước đó.
Tại Malaysia, tổng số ca nhiễm đã tăng lên 300.752 ca sau khi ghi nhận thêm 2.437 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó. Đáng lo ngại, trong số các ca nhiễm mới có tới 2.435 ca lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 2 ca nhập cảnh.
Số người thiệt mạng do Covid-19 tại Malaysia hiện là 1.130 ca, trong khi hơn 90% số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã khỏi bệnh.
Ở Đông Bắc Á, ngày 1/3, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo có thêm 355 ca mắc mới Covid-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 400 ca/ngày.
Theo KDCA, số ca mắc mới giảm dường như là do ít người thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào cuối tuần. Giới chức y tế cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca lây nhiễm mới tại các ổ dịch trước thềm học kỳ mới bắt đầu.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong do Covid-19 lên 1.605 ca. 13 tháng sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 đầu tiên, tổng số bệnh nhân ở Hà Quốc hiện là 90.000 ca.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 19 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh. Số ca mắc Covid-19 không triệu chứng là 13 ca. Trung Quốc không đưa ca mắc không triệu chứng vào danh sách ca mắc được xác nhận.
Tính đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 89.912 ca mắc Covid-19, trong đó số ca tử vong vẫn là 4.636 ca.
* Tại châu Âu, đến nay ghi nhận gần 34,15 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 813.207 ca tử vong và gần 23,7 triệu bệnh nhân bình phục.
Ngày 28/2, Anh ghi nhận thêm 6.035 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên là 4.176.554 ca, trong đó có 122.849 ca tử vong, cao hơn 114 ca so với một ngày trước đó.
Tính đến nay, hơn 20 triệu người dân Anh đã được tiêm vaccine phòng Covid-9 mũi đầu. Theo kế hoạch mở cửa trở lại được Chính phủ công bố ngày 22/2, các trường học tại Anh sẽ hoạt động lại từ ngày 8/3, trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch gồm 4 giai đoạn này.
Trong khi đó, cùng ngày, giới chức y tế Anh cho hay, nước này đã lần đầu tiên phát hiện 6 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ thành phố Manaus, Brazil.
Theo thông tin từ cơ quan y tế công cộng Anh (PHE), biến thể phát hiện tại Manaus, còn gọi là biến thể P.1, có chung một số đột biến với loại biến thể lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và có thể khiến các loại vaccine hiện tại đáp ứng thấp hơn đối với loại biến thể này.
Tại Na Uy, thị trưởng thành phố Oslo Raymond Johansen thông báo, thủ đô này sẽ siết chặt các biện pháp phong tỏa để ngăn số ca nhiễm liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2 tăng nhanh.
Viện Y tế Công Na Uy cho biết, biến thể này lần được phát hiện lần đầu tại Anh và bắt đầu lây lan tại Oslo vào tháng 1. Biến thể này đang chiếm tới 50-70% số ca nhiễm. Trong ngày 26/2, Oslo đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày là 245 trường hợp.
Tại Slovakia, Chính phủ sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 3/3 tới, bao gồm việc hạn chế người dân đi lại.
Theo quy định mới, người dân sẽ chỉ được phép đi lại từ 20h-1h, lệnh hạn chế đi lại sẽ áp dụng trong khung giờ từ 5h-20h tối.
Từ ngày 8/3, những người vào cửa hàng hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng cần đeo khẩu trang FFP 2. Các trường mầm non sẽ chỉ mở lớp cho những học sinh có cha mẹ không thể làm việc từ xa.
Nếu đến ngày 21/3 tới, các biện pháp hạn chế không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm, Chính phủ sẽ chuẩn bị các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa các doanh nghiệp và biên giới.
Tính đến ngày 28/2, Slovakia đã ghi nhận tổng cộng 308.083 ca nhiễm và 7.189 ca tử vong do Covid-19.
* Tại châu Mỹ, đến nay có hơn 51,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,22 triệu ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 49.412 ca nhiễm, là ngày có số ca mới thấp nhất kể từ ngày 12/20/2020. Đến nay, Mỹ có hơn 29,25 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 525.776 trường hợp tử vong.
Cuba thông báo thêm 618 ca mắc mới và 4 ca tử vong trong ngày 28/2. Đây là những con số thấp nhất được ghi nhận trong vòng 3 tuần qua.
Hiện tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 tại Cuba lần lượt là 49.779 và 322 ca. Cuba đang phát triển 4 loại vaccine, hiện trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau và Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 11,2 triệu người trong năm 2021.
Ngày 28/2, Chính phủ Argentina đã yêu cầu gia hạn các biện pháp hạn chế và giãn cách bắt buộc đến ngày 12/3 tới, nhằm kiểm soát dịch Covid-19 lây lan.
Theo thống kê, Argentina đã ghi nhận tổng cộng 2.104.197 ca nhiễm và 51.946 ca tử vong do dịch Covid-19.
* Tại châu Phi, thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho hay, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 3.888.006 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 103.485 ca tử vong.
Khu vực miền Nam châu Phi là nơi ghi nhận số trường hợp mắc Covid-19 nhiều nhất châu lục, tiếp đó là khu vực Bắc Phi.
Xét về quốc gia, top 10 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại châu Phi tính theo số ca mắc gồm (theo thứ tự): Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Libya, Algeria, Kenya và Ghana.
Tại Jordan, Bộ trưởng Nội vụ Samir Mobeideen và Bộ trưởng Tư pháp Bassam Talhouni đã bị sa thải vì tham gia một bữa tiệc tối tại một nhà hàng, vi phạm quy định phòng dịch mà chính hai bộ này phụ trách thực thi.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố, bắt đầu từ ngày 1/3, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 3 xuống cấp độ 1 nhằm khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế, sau khi ghi nhận số ca mắc bệnh Covid-19 giảm mạnh trong 2 tháng qua.
Nam Phi đã qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc liên tục tục giảm. Tính trong tuần qua, nước này ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc mới, giảm đáng kể so với 40.000 ca trong tuần cuối tháng 1/2021 và 90.000 ca trong tuần cuối tháng 12/2020.
Đến hết ngày 28/2, nước này ghi nhận 1.512.225 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 49.941 trường hợp tử vong.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 28/2, các chuyên gia tư vấn của Ủy ban tư vấn về thực hiện tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu ủng hộ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson cho người dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên.
Tổng thống Nam Phi cho biết, sau 10 ngày kể từ khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên, nước này đã tiến hành tiêm chủng cho 67.000 nhân viên y tế tuyến đầu.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất tiêm chủng cho đội ngũ y tế, bắt đầu từ tháng 4-5, Nam Phi sẽ tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng ưu tiên kế tiếp, bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền và lực lượng công tác trong những lĩnh vực trọng yếu.
Cùng ngày, Nigeria thông báo sẽ nhận được 3,92 triệu liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 vào ngày 2/3 tới, trong khuôn khổ cơ chế phân phối công bằng vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối.
Tại Ai Cập, theo Bộ Y tế nước này, đã có hơn 45.000 người dân đăng ký tiêm vaccine chỉ trong vòng 12 giờ, sau khi quốc gia này ra mắt trang mạng chính thức tiếp nhận thông tin tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Cũng trong ngày 28/2, Israel xác nhận sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các lao động người Palestine được cấp giấy phép làm việc tại các khu định cư Do Thái, trong lãnh thổ Israel cũng như khu vực bị chiếm đóng.