Cập nhật Covid-19 ngày 20/6: Thời điểm tồi tệ nhất của Brazil, Ấn Độ tiếp tục những tín hiệu tích cực. |
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 20/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 178.939.856 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.874.879 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua có thêm 351.514 ca mắc mới và 7.755 ca tử vong. Hiện có 163.466.986 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 11.597.991 bệnh nhân đang điều trị.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.401.712 ca mắc và 617.083 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 29.881.352 ca mắc, trong đó 386.740 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 17.883.750 ca mắc và 500.868 ca tử vong.
Đáng chú ý, xét theo số ca tử vong, Brazil đã trở thành nước thứ 2 trên thế giới vượt 500.000, chỉ sau Mỹ. Trong tuần qua, tỷ lệ trung bình số ca nhiễm mới theo ngày được ghi nhận xung quanh mốc 70.000 ca, trong khi tỷ lệ tử vong trung bình là gần 2.000 người.
Đây được coi là một trong những thời điểm tồi tệ nhất mà Brazil phải trải qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 2/2020. Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại Brazil có thể phải hứng chịu làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 trong thời gian tới do chương trình tiêm chủng được triển khai một cách khá chậm.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga khẳng định vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho tất cả người dân và hy vọng sẽ sớm thay đổi tình hình dịch bệnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong 24 giờ qua, thủ đô Ấn Độ chỉ ghi nhận 135 ca nhiễm mới Covid-19 và 7 ca tử vong. Đây là số ca tử vong theo ngày thấp nhất kể từ ngày 1/4 tại New Delhi. Vào lúc cao điểm, thành phố này ghi nhận trung bình khoảng 25.000 ca mắc mới Covid-19 và hơn 400 ca tử vong mỗi ngày hồi cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức của chính quyền địa phương cho thấy, nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 tại các bệnh viện tư hàng đầu ở New Delhi và vùng thủ đô (NCR) đã giảm mạnh.
Theo các giám đốc bệnh viện hàng đầu ở New Delhi và NCR, trong khoảng thời gian từ ngày 6-12/6, khoảng 40% suất tiêm đã được đặt trước. Nhưng trong tuần tiếp theo, từ ngày 13-18/6, chỉ có 25% suất được đặt. Một nguồn tin cho biết: “Với việc số ca mắc Covid-19 giảm xuống, người dân dường như không còn hào hứng với việc tiêm vaccine”.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm mới và tử vong nhất trên thế giới, lần lượt là 137.829 và 3.646. Tính đến nay, khu vực này ghi nhận tổng cộng 31.538.988 ca nhiễm, trong đó có 968.175 trường hợp không qua khỏi.
Tiếp đó là châu Á, với 129.029 ca nhiễm mới và 2.416 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại châu lục này lên lần lượt là 54.350.101 và 764.638.
Châu Âu đứng thứ ba với 39.281 ca nhiễm mới và 740 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại châu Âu là 47.426.785 và 1.091.899.
Tại châu Phi, số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua lần lượt là 25.139 và 441. Như vậy, đã có 5.227.149 người nhiễm tại châu Phi, trong đó có 137.475 người không qua khỏi.
Vaccine phòng Covid-19 do Cuba sản xuất cho kết quả thử nghiệm đáng khích lệ
Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba ngày 19/6 dẫn dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối cho biết, vaccine Soberana 2 do La Habana sản xuất cho hiệu quả phòng Covid-19 lên đến 62% chỉ với 2 trong số 3 liều tiêu chuẩn.
Ông Vicente Vérez, Giám đốc Viện Vaccine Finlay, cơ quan phát triển vaccine Soberana 2, nói: “Trong vài tuần nữa chúng tôi sẽ có kết quả về hiệu quả khi tiêm đủ 3 liều mà chúng tôi kỳ vọng là sẽ còn cao hơn”.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Cuba đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay, do sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây.
Cuba hiện có 5 ứng cử viên vaccine phòng Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có hai loại - Soberana 2 và Abdala – đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.
Chủ tịch ECOWAS kêu gọi các nước Tây Phi sản xuất vaccine ngừa Covid-19
Ngày 19/6, phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ lần thứ 59 của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Chủ tịch của tổ chức này đồng thời là Tổng thống Ghana, ông Nana Addo Dankwa Akufo-Addo kêu gọi các nước thành viên tiếp tục sản xuất các loại vaccine Covid-19 trước tình trạng thiếu nguồn cung trên toàn cầu.
Ông Akufo-Addo cho biết thêm rằng ban đầu nguồn vaccine AstraZeneca được cung cấp theo chương trình COVAX đã hỗ trợ các nỗ lực của tiểu vùng ngăn chặn sự lây lan của virus, tuy nhiên số lượng vaccine mà các nước trong khối này nhận được là "thiếu hụt một cách đáng sợ". Vì vậy, các nước trong khu vực cần phải tiếp tục mua và tự sản xuất vaccine. ECOWAS đang khuyến khích Ghana, Nigeria và Senegal nỗ lực sản xuất vaccine tại các quốc gia này.
Theo ông Akufo-Addo, ngoài vaccine Covid-19, các vấn đề khác mà hội nghị đưa ra quyết định bao gồm chống khủng bố, chủ nghĩa bạo lực cực đoan, bảo vệ hòa bình, an ninh hàng hải, y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hội nghị tại Ghana lần này đã thu hút sự có mặt của đông đủ lãnh đạo các nước thuộc ECOWAS, ngoại trừ tổng thống của Mali và Senegal.