Cập nhật Covid-19 ngày 2/4: Lễ Phục sinh buồn ở châu Âu; Nhiều nước 'siết' quy định với người nhập cảnh; Lào nhận vaccine viện trợ từ Trung Quốc |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 566.607 ca tử vong trong tổng số 31.244.614 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 325.559 ca tử vong trong số 12.842.717 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 163.428 ca tử vong trong số 12.302.110 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Czech là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 248 người tử vong. Tiếp đến là San Marino với 248 người và Hungary 215 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 43,8 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 958.000 ca tử vong.
Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 783.500 ca tử vong trong hơn 24,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 575.000 ca tử vong trong hơn 31,4 triệu ca nhiễm.
Châu Á ghi nhận hơn 272.400 ca tử vong trong hơn 17,9 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 114.100 ca tử vong, châu Phi có hơn 112.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 997 người.
* Tại châu Mỹ
Chính phủ Panama ngày 1/4 thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V do Nga sản xuất sau khi được cơ quan quản lý dược phẩm nước này thông qua.
Panama, quốc gia có nhiều ca mắc Covid-19 nhất tại Trung Mỹ, đã bắt đầu chương trình tiêm phòng từ giữa tháng 1 cho các nhóm đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế, lực lượng công và những người trên 60 tuổi.
Panama là quốc gia thứ 59 phê duyệt vaccine Sputnik V. Với 4,2 triệu dân, quốc gia Trung Mỹ tới nay đã ghi nhận hơn 355.000 ca nhiễm, trong số đó 6.114 người tử vong do Covid-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Cuba thông báo nước này đã ghi nhận 1.013 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca. Tổng số ca mắc tại nước này là 76.26 ca.
Trong số ca mắc mới, thủ đô La Habana, tâm dịch tại nước này, chiếm gần 50% với 490 ca. Tỷ lệ lây nhiễm mới tại La Habana là 321,8 ca trên mỗi 100.000 dân.
Cuba hiện đang tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng đối với 2 vaccine ngừa Covid-19, trong khi 3 loại vaccine khác trong giai đoạn nghiên cứu.
Brazil tiếp tục trải qua một ngày nặng nề khi số ca mắc mới trong vòng 24 giờ là 91.097 ca. Brazil cũng ghi nhận thêm 3.769 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Brazil, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận gần 13 triệu ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có 325.559 ca tử vong.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã đưa ra khuyến cáo Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh khác đang trong năm bầu cử, không nên tổ chức bầu cử trước nguy cơ dịch Covid-19 lây lan mạnh.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne cảnh báo sự gia tăng các ca bệnh trong toàn khu vực, ngay cả ở những quốc gia đã có những thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát dịch trong năm 2020. Theo bà, nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, Mỹ Latinh có thể phải đối mặt với sự bùng phát dịch lớn hơn trước đây. PAHO cũng kêu gọi đẩy nhanh cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Mỹ Latinh.
Chính phủ Mỹ ngày 1/4 đã phát động một chiến dịch quảng cáo lớn nhằm hối thúc người dân nước này đi tiêm chủng ngừa Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở châu Mỹ gia tăng một lần nữa.
Chiến dịch quảng cáo này sử dụng phương châm "Chúng ta có thể làm được điều này", hiện đang được phát sóng trên các kênh truyền hình của Mỹ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Tỉnh Ontario đông dân nhất ở Canada đã thông báo quyết định phong tỏa trở lại trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 3/4, do dịch Covid-19 lây lan nhanh. Quyết định được đưa ra sau khi cơ quan y tế của tỉnh này công bố mô hình dữ liệu mới cho thấy Ontario sẽ không thể kiểm soát được làn sóng lây nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 nếu như không tái áp lệnh phong tỏa.
Theo mô hình trên, số ca mắc Covid-19 ở Ontario có thể sẽ tăng lên tới 6.000 ca/ngày vào cuối tháng này nếu như không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa phù hợp. Đến nay Ontario mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 317.000 người.
Tính trên toàn Canada, tổng số ca mắc Covid-19 đến nay là 986.011 người, trong đó có 22.993 người đã tử vong.
* Tại châu Âu
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về hạn chế tiếp xúc trong dịp nghỉ lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan với sự bùng phát mạnh của các biến thể. Thủ tướng Merkel kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ các y bác sĩ, tránh để hệ thống y tế quá tải.
Trong khi đó, nước Pháp đang chứng kiến làn sóng dịch thứ 3 với ca mắc mới tăng nhanh. Giới chức y tế nước này thông báo đã ghi nhận 50.659 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 1/4, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca lây nhiễm mới trên mức 50.000 ca.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo áp đặt lệnh phong tỏa thứ 3 vào cuối tuần này nhằm ngăn chặn làn sóng dịch thứ 3.
Ngày 1/4, Bồ Đào Nha đã ban hành quy định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến nước này bằng bất kỳ phương tiện giao thông nào từ Anh, Brazil và Nam Phi, cũng như các nước có tỷ lệ lây nhiễm ở mức 500 ca bệnh trở lên trên 100.000 người.
Theo đó, danh sách này còn có Bulgaria, CH Czech, Cyprus, Slovenia, Estonia, Pháp, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan và Thụy Điển.
Cùng ngày, Chính phủ Ireland đã bổ sung 26 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách những nơi mà người từ đó tới Ireland phải thực hiện cách ly bắt buộc tại khách sạn. Hiện danh sách này đã tăng lên 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Trung và Nam Mỹ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 40.806 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát cách đây hơn 1 năm, đồng thời xác nhận thêm 176 ca tử vong. Những số liệu trên đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ bước vào làn sóng dịch thứ 3.
Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết hơn 75% số ca lây nhiễm mới là những ca mắc biến thể mới nguồn gốc tại Anh. Tình hình này đã buộc Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 29/3 ban hành các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt vốn đã được nới lỏng từ tháng 3.
Tiến trình tiêm chủng tại nước này có dấu hiệu chững lại với 9,3 triệu người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và 7 triệu người hoàn thành cả 2 mũi.
* Tại Đông Nam Á
Tờ Vientiane Times số ra ngày 2/4 đưa tin Lào đã nhận được thêm 800.000 liều vaccine Covid-19 từ Trung Quốc, sau khi tiêm vaccine cho ít nhất 40.000 người trên cả nước.
Lô vaccine Sinopharm thứ ba của Trung Quốc đã đến Lào vào ngày 31/3 vừa qua gồm 800.000 liều, trong đó khoảng 500.000 liều do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và 300.000 liều do Quân đội Trung Quốc tài trợ.