📞

Cập nhật Covid-19 ngày 24/3: Kỷ lục 'chết chóc' ở Brazil; Trung Quốc sản xuất 5 triệu liều vaccine mỗi ngày; châu Âu vẫn 'nóng'

Huyền Trâm 11:22 | 24/03/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 124,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.746.242 ca tử vong và hơn 100,8 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 24/3: Dịch 'căng' ở Brazil; Trung Quốc sản xuất 5 triệu liều vaccine Covid-19/ngày; châu Âu vẫn 'nóng' vì dịch

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với 30.636.243 ca mắc và 556.880 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 12.136.615 ca mắc và 298.843 ca tử vong.

Theo số liệu của Bộ Y tế Brazil công bố ngày 23/3, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 3.251 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Đây cũng là lần đầu tiên số ca tử vong mỗi ngày ở Brazil vượt mốc 3.000 ca.

Số ca tử vong trung bình mỗi ngày ở quốc gia Nam Mỹ này đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ đầu năm nay và hiện ở mức 2.364 ca/ngày - cao nhất trên thế giới. Các chuyên gia lý giải dịch bệnh Covid-19 gia tăng ở Brazil là do sự hoành hành của biến thể mới ở trong nước vốn bị cho là lây lan nhanh hơn.

Ngày 23/3, Tổng thống Jair Bolsonaro đã chính thức bổ nhiệm ông Marcelo Queiroga làm Bộ trưởng Y tế mới của Brazil, thay ông Eduardo Pazuello.

Ông Pazuello bị sa thải do cách xử lý đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, ông đang bị điều tra với cáo buộc không đảm bảo đủ nguồn cung oxy tại thành phố Manaus. Vào tháng 1, hàng chục bệnh nhân tại thành phố miền Bắc này đã tử vong do các bệnh viện thiếu nguồn cung oxy nghiêm trọng.

Xếp sau Brazil là Ấn Độ với 11.733.594 ca mắc và 160.477 ca tử vong, Nga với 4.474.610 ca mắc và 95.818 ca tử vong, Pháp với 4.313.073 ca mắc và 92.908 ca tử vong.

* Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn đang nóng lên từng ngày.

Cụ thể ở Đức, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm gần 10.200 ca mắc Covid-19 và 289 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc từ đầu dịch lên 2,68 triệu ca trong đó có 75.111 ca tử vong.

Tính đến ngày 23/3, Đức đã có 11/16 bang có chỉ số lây nhiễm 7 ngày/100.000 dân ít nhất 100, đặc biệt chỉ số này đã gia tăng tại 13/16 bang.

Tại Berlin, chính quyền thủ đô cùng ngày đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa cho tới ngày 24/4. Nguyên nhân cho quyết định này là do số ca mắc Covid-19 ngày càng gia tăng, đặc biệt là biến thể ở Anh nguy hiểm và dễ lây lan hơn.

Cùng ngày 23/3, chính phủ Đức tái khẳng định ủng hộ kế hoạch triển khai "hộ chiếu vaccine" của châu Âu, đồng thời cam kết đảm bảo có thể cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số này đúng thời điểm từ ngày 1/6 tới.

Còn tại Bỉ, số ca mắc Covid-19 trong những ngày qua đang tăng mạnh trở lại. Số liệu của Viện sức khỏe cộng đồng Vương quốc Bỉ (Sciensano) công bố ngày 23/3 cho thấy số ca nhiễm virus SARS-Cov-2 trung bình mỗi ngày ở nước này đã tăng trên 40%.

Ngày 24/3, người phát ngôn của EU cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thông qua việc sửa đổi cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu. Vấn đề này dự kiến cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU trong 2 ngày 25 và 26/3.

Các quan chức cho biết, việc sửa đổi này không dẫn đến một lệnh cấm xuất khẩu chung, song sẽ ủng hộ điều mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi là nguyên tắc "có đi có lại".

Việc sửa đổi sẽ cho phép EC có thêm quyền hạn để ngăn chặn xuất khẩu tới những nước có chiến dịch tiêm chủng tốt hơn và những nước sản xuất vaccine song không xuất khẩu sang EU.

* Ngày 23/3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi việc tiếp cận công bằng, giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa Covid-19.

Nghị quyết, được hơn 130 quốc gia tán thành và được đồng thuận tại diễn đàn Geneva, khẳng định quyền của các quốc gia trong sử dụng linh hoạt các quy tắc hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19.

* Hãng dược phẩm Pfizer vừa đặt mục tiêu mở rộng hoạt động nghiên cứu, phát triển và kinh doanh các loại vaccine bằng cách trở thành hãng dược hàng đầu thế giới sử dụng công nghệ mới mRNA sau thành công vang dội của hãng trong việc bào chế được vaccine Covid-19.

Pfizer hiện cũng sở hữu một trong những vaccine bán chạy nhất thế giới là Prevnar13, vaccine ngừa phế cầu khuẩn, đã mang lại cho hãng 6 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Cùng với vaccine viêm phổi thế hệ mới của hãng hiện đang được cơ quan quản lý của Mỹ xem xét và sẽ đưa ra quyết định vào mùa Hè này, Pfizer cũng đang nghiên cứu sản xuất nhiều loại vaccine khác.

* Tân Hoa xã ngày 24/3 dẫn các bình luận của Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Tiêu Á Khánh cho biết năng lực sản xuất vaccine Covid-19 của nước này đã đạt 5 triệu liều/ngày.

Tính đến cuối ngày 22/3, Trung Quốc đã sử dụng 80,46 triệu liều vaccine trong chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của nước này.

* Tại Đông Nam Á

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 23/3 kêu gọi dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa Malaysia và Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tới nước này.

Malaysia và Singapore đã thống nhất về việc triển khai thực hiện thỏa thuận Làn đường Xanh đối ứng (RGL), Thỏa thuận đi lại định kỳ (PCA) và Thỏa thuận đi lại hằng ngày (DCA), tuy nhiên việc này đã bị hủy bỏ.

Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này bảo đảm hơn 360 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, đủ để đáp ứng nhu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.

Indonesia đã đặt mua 4 loại vaccine ngừa Covid-19 do Sinovac, AstraZeneca, Novavax và Pfizer sản xuất, đồng thời đặt mục tiêu hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia trong vòng 12 tháng kể từ khi được khởi động vào tháng 1 năm nay.

Ngày 23/3, Campuchia ghi nhận thêm 35 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.788 ca.

Quốc vụ khanh đồng thời là người phát ngôn Bộ Y tế Or Vandine cho hay, ở nhà là sự lựa chọn tốt nhất trong thời gian dịch bệnh bùng phát và khuyến cáo người dân thủ đô nên tránh các chuyến đi không cần thiết ra tỉnh khác và ngược lại.

Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thái Lan thông báo đã ghi nhận thêm 401 ca mắc mới, trong đó, 383 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Bangkok chiếm nhiều nhất với 352 ca, tiếp đó 17 ca tại Samut Sakhon và 11 ca tại Nakhon Pathom.

Điều đáng nói đa phần số ca mắc tại thủ đô Bangkok là những người nhập cư bất hợp pháp, bị Cơ quan Di trú bắt giữ.

(tổng hợp)