Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 32.875.045 ca nhiễm và 586.611 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với số ca nhiễm với 17.625.735 ca trong đó có 197.880 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba ghi nhận 14.370.456 ca mắc và 392.204 ca tử vong.
Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có hơn 44 triệu ca nhiễm trong khi số ca tử vong đã vượt mốc 1.000.000 ca. Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với hơn 38 triệu ca nhiễm, 856.449 ca tử vong.
Sự chênh lệch về số ca mắc giữa Bắc Mỹ và châu Á, khu vực đứng thứ ba, đang dần thu hẹp lại khi châu Á ghi nhận 37.487.846 ca mắc, trong đó số ca tử vong gần chạm mốc 500.000 ca.
Nam Mỹ hiện có 24.345.891 người nhiễm bệnh, trong đó có 654.285 bệnh nhân không qua khỏi, trong khi châu Phi và châu Đại Dương ghi nhận lần lượt hơn 4.551.934 và 62.601 ca nhiễm, với số người tử vong tương ứng là 120.738 và 1.190 trường hợp.
* Ấn Độ vẫn là điểm nóng của thế giới với số ca nhiễm mới mỗi ngày trong 6 ngày qua luôn ở mức trên 300.000 trường hợp.
Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 mới đang khiến các bệnh viện quá tải.
Trước tình hình này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá tình hình Ấn Độ là "vô cùng thương tâm" và cam kết gửi hàng tiếp tế cho Ấn Độ, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động cũng như vật tư phòng thí nghiệm.
WHO cũng đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác tới hỗ trợ quốc gia đông dân thứ hai thế giới này chống đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ, trong đó có việc chuyển khẩn cấp các vật tư và thiết bị y tế cần thiết để giúp chống dịch.
Phòng Thương mại Mỹ cùng giám đốc điều hành của 40 công ty đã cho ra mắt một nhóm đặc biệt để cung cấp hỗ trợ cấp thiết như vật dụng y tế, máy trợ thở và các hỗ trợ khác cho Ấn Độ. Nhóm này đồng thời thành lập một trang web để các công ty Mỹ có thể đưa ra những hỗ trợ tương tự.
Các giám đốc điều hành người Mỹ gốc Ấn Độ làm việc tại các hãng công nghệ lớn như Google, IBM và Microsoft cũng ra cam kết sẽ hợp tác với các nghị sĩ Mỹ để tìm cách tăng nguồn hỗ trợ y tế cho Ấn Độ.
Nhóm các giám đốc điều hành công nghệ này sẽ là cầu nối giữa các bệnh viện và cơ sở y tế của Ấn Độ với các nguồn cung cấp thiết bị trợ thở và các thiết bị y tế khác
Hãng công nghệ Google cũng thông báo khoản tài trợ bổ sung trị giá 18 triệu USD dành các bệnh nhân Covid-19 và hỗ trợ y tế, đồng thời xác nhận Giám đốc điều hành của hãng này Sundar Pichai cũng sẽ tài trợ 700.000 USD cho hoạt động ứng phó dịch bệnh của văn phòng Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Ấn Độ.
Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev trả lời phỏng vấn của hãng CNN cho biết, Ấn Độ sẽ nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga vào ngày 1/5 tới.
Công ty dược phẩm Nga Pharmasyntez cũng cho hay họ đã sẵn sàng chuyển 1 triệu gói thuốc kháng virus tới Ấn Độ vào cuối tháng 5 nếu được Chính phủ Nga cấp phép.
Tương tự, Điện Elysee tuyên bố Pháp sẽ cung cấp cho Ấn Độ "viện trợ y tế thiết yếu" vào cuối tuần tới, bao gồm máy tạo oxy, máy thở và các container đông lạnh.
* Ngày 26/4, cuối cuộc họp Nội các, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ phong tỏa hoàn toàn trên toàn quốc từ ngày 29/4 -17/5 để chống lại làn sóng lây lan dịch Covid-19 thứ 3.
Tổng thống Erdogan thông báo: “Từ 19h ngày 29/4, tất cả các văn phòng và nơi làm việc sẽ đóng cửa, trừ những nơi có quy định riêng. Liên vận giữa các thành phố phải được cấp phép khi thực hiện và giao thông công cộng sẽ hoạt động ở mức 50%".
Thổ Nhĩ Kỳ đang trong làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 4 đã lập đỉnh ở mức hơn 60.000 ca. Trong vài ngày qua, số ca mắc mới đang có xu hướng giảm, tuy nhiên, vẫn ở mức cao (trên 35.000 ca/ngày) so với mức đỉnh của làn sóng thứ 2.
* Tại Chile, Thứ trưởng Y tế Paula Daza cho biết, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn việc đóng cửa biên giới đến hết tháng 5 tới như một nỗ lực ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Biện pháp này được chính phủ Chile đưa ra từ đầu tháng 4, sau khi số ca nhiễm mới trong nước tăng vọt với mức cao nhất là hơn 9.000 ca, ghi nhận được vào ngày 5/4.
Thứ trưởng Daza cũng cho hay, quốc gia Nam Mỹ này đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 vì trong những ngày gần đây, các trường hợp mắc bệnh duy trì ở mức ổn định và có xu hướng giảm nhẹ.
Tính đến nay, Chile đã ghi nhận hơn 1.175.000 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 26.000 ca tử vong.
* Ngày 26/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Campuchia đã vượt 10.000 người sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận 580 ca lây nhiễm mới trong ngày.
Trong các ca mắc mới, chỉ có duy nhất một ca nhập cảnh là trường hợp công nhân Campuchia trở về từ Thái Lan hôm 24/4, số còn lại đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”.
Trong số 579 ca lây nhiễm cộng đồng này gồm có công dân các nước đến từ Campuchia (493 người), Indonesia (69), Trung Quốc (12) và Việt Nam (5), được phát hiện tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Banteay Meanchey, Preah Sihanouk, Kandal, Kampong Thom, Prey Veng, Kep, Kampong Speu, Svay Rieng, Thbong Khmum và Kampong Chhnang.
Thông cáo báo chí ngày 26/4 của Bộ Y tế Campuchia cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 3.577 bệnh nhân mắc Covid-19 đã bình phục sau điều trị, còn tổng số ca tử vong là 79 người.
Cùng ngày, chính phủ Campuchia ra thông báo kéo dài thời gian phong tỏa thêm 7 ngày tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao, cho tới ngày 5/5 tới để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
* Tại Thái Lan, trong ngày 27/4, số người tử vong vì mắc Covid-19 tính trong một ngày lại tăng lên mức kỷ lục mới, với 15 bệnh nhân không qua khỏi.
Giới chức Thái Lan ngày 27/4 cũng ghi nhận thêm 2.179 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên thành 59.687 người, trong đó có 163 trường hợp tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận có 2.149 ca lây nhiễm cộng đồng, 25 ca được phát hiện thông qua việc chủ động xét nghiệm và 5 ca ngoại nhập.
Cho đến nay, Thái Lan vẫn còn 25.973 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trong các bệnh viện, trong đó có 5.665 người tại các bệnh viện dã chiến và 169 người phải thở máy.
Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng một hệ thống chỉ huy duy nhất để nâng cao hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 quốc gia, với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30 triệu người trong ba tháng tới và 50 triệu người vào cuối năm nay trên tổng dân số gần 70 triệu người.
* Tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này đã đưa ra những khuyến cáo về y tế và công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với người dân cả nước trong bối cảnh cơn sốt du lịch dự kiến lên tới cao trào trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới, với lưu lượng hành khách dự kiến đạt 250 triệu lượt người.
Trung Quốc khuyến cáo những người trở về sau chuyến du lịch nên cách ly trong 14 ngày và phải đề phòng để tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu có các triệu chứng mắc Covid-19, người dân nên đi khám kịp thời và thông báo cho bác sĩ về lịch sử đi lại của mình.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 26/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ chia sử 60 triệu liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 với các nước khác, trước áp lực từ các nhà lập pháp và chuyên gia về lĩnh vực này.
Mỹ hiện có sẵn hàng triệu liều vaccine AstraZeneca vốn chưa được cấp phép trong nước song nhiều quốc gia khác đã cho phép và sử dụng. Loại vaccine này có thể đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh gia tăng mạnh số ca nhiễm ở nhiều nước, đặc biệt là ở Ấn Độ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan... cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K: KHẨU TRANG, KHỬ KHUẨN, KHOẢNG CÁCH, KHÔNG TỤ TẬP, KHAI BÁO Y TẾ. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI và cài đặt ứng dụng Bluzone tại địa chỉ: https://bluezone.gov.vn. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, gọi đường dây nóng của Bộ Y tế: 1900.9095. |
TIN LIÊN QUAN | |
Tin thế giới 26/4: Thêm nước châu Âu 'tham chiến', Nga phản đòn; Trung Quốc 'lên cơ' bảo vệ Nga; Chiến hạm khủng nhất của Anh sắp đổ bộ châu Á |