📞

Cập nhật Covid-19 ngày 28/4: Toàn cầu tiệm cận 150 triệu ca; biến thể virus ở Ấn Độ siêu lây nhiễm; tin vui về vaccine AstraZeneca

Duy Phương 11:54 | 28/04/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 149,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,15 triệu trường hợp tử vong và xấp xỉ 127 triệu bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 32.926.280 ca nhiễm và 587.369 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 51.235 ca nhiễm và 870 ca tử vong vì dịch Covid-19.

Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 17.988.637 ca (tăng 319.435 ca trong một ngày qua) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện là 392.204 ca trong tổng số hơn 14.370.456 ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 2.764 ca tử vong vì Covid-19.

Xét về khu vực, châu Âu vẫn đứng đầu 44.013.820 ca mắc, trong đó có 1.001.010 ca tử vong. Đứng thứ hai là Bắc Mỹ với 38.029.648 ca mắc và 856.171 ca tử vong.

Đáng chú ý, sau Mỹ với 47.456 ca mắc mới, Canada đứng thứ hai ở khu vực này với 8.931 ca lây nhiễm mới.

Châu Á đứng thứ ba với 37.484.786 ca mắc và 504.890 ca tử vong. Bên cạnh Ấn Độ, tình hình dịch bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chưa có dấu hiệu cải thiện khi hai nước này lần lượt ghi nhận 43.301 và 20.963 ca mắc mới.

* Tại châu Mỹ, chính phủ Brazil quyết định sẽ đưa phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sau khi một số thai phụ nhập viện với biến chứng Covid-19, trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ có chiều hướng gia tăng.

Mặt khác, Bộ Y tế Brazil tiếp tục khuyến cáo phụ nữ nước này nên hoãn mang thai cho đến khi đại dịch Covid-19 qua đi. Các chuyên gia y tế cho biết, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phổ biến tại nước này đã ảnh hưởng nhiều hơn đến các bà mẹ mang thai so với virus gốc.

Cùng ngày, Bộ Y tế Chile kêu gọi phụ nữ mang thai tích cực tham gia chương trình tiêm chủng đại trà các loại vaccine ngừa Covid-19. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Paula Daza, chính phủ nước này từ ngày 26/4 đã bắt đầu tiêm chủng vaccine cho phụ nữ mang thai từ 16 tuần trở lên và những thai phụ mắc bệnh lý đi kèm.

Để được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, phụ nữ mang thai tại Chile phải nhận được sự đồng ý của bác sĩ chịu trách nhiệm theo dõi thai kỳ. Theo kế hoạch tiêm chủng, phụ nữ có thai sẽ được tiêm 2 liều vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất.

Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ hiện đang thảo luận về thời gian mà nước này có thể bắt đầu gửi các lô vaccine ngừa Covid-19 tới Ấn Độ và các quốc gia khác trên thế giới.

Cùng ngày, Mỹ sẽ nới lỏng các quy định hạn chế hiện nay liên quan đến Covid-19 đối với các sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Trung Quốc.

Theo đó, các sinh viên quốc tế có thể bắt đầu năm học mới tại các trường đại học ở Mỹ. Cụ thể, sinh viên có thị thực hợp lệ từ Trung Quốc, Iran, Brazil và Nam Phi sẽ đủ điều kiện để được miễn các lệnh cấm nhập cảnh được áp dụng trong năm vừa qua.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 27/4 cho biết lực lượng vũ trang nước này đang được điều động đến Nova Scotia và Ontario để giúp hai tỉnh này ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm Covid-19. Tương tự, tỉnh Alberta cũng sẽ nhận được sự trợ giúp của quân đội.

* Tại châu Á, Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do đại dịch Covid-19 gây ra với số ca mắc mới liên tục gia tăng.

Ngày 27/4, nước này đã ghi nhận 323.144 ca bệnh trong 24 giờ qua, trở thành ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm vượt mốc 300.000 ca/ngày, trong khi có thêm 2.771 ca tử vong mới.

Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho ngành y tế, trong bối cảnh các bệnh viện quá tải tiếp tục không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do thiếu giường bệnh và nguồn cung cấp oxy.

Ấn Độ cũng đã nhập khẩu 20 xe đông lạnh và chuyển số xe này tới các bang trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu xe chứa oxy.

Nhiều nước trên thế giới cũng đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang "oằn mình" chống chọi với số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến.

Trong khi đó, người dân sinh sống ở Hàn Quốc dự kiến sẽ có thể mua bộ tự xét nghiệm Covid-19 tại các hiệu thuốc địa phương hoặc mua trên mạng sớm nhất vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.

Trước đó, ngày 23/4, Cơ quan An toàn Dược phẩm Hàn Quốc đã cho phép sử dụng 2 bộ tự xét nghiệm do các công ty công nghệ sinh học SD Biosensor và Humasis phát triển trong nỗ lực tăng cường năng lực xét nghiệm trong bối cảnh các ca lây nhiễm gia tăng.

Giá sản phẩm bộ tự xét nghiệm của Humasis vẫn chưa được chốt song có thể sẽ dao động từ 10.000 Won (8,99 USD) đến 12.000 Won (10,79 USD).

Israel thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi để có thể tham gia các hoạt động hoặc tới những địa điểm yêu cầu phải có thẻ Xanh.

Theo quyết định trên, trẻ em không nằm trong đối tượng tiêm vaccine hoặc bình phục sau lây nhiễm kể từ ngày 6/5 tới sẽ được phép tham gia hoạt động và sự kiện tập trung đông người nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước đó.

Xét nghiệm sẽ được thực hiện miễn phí tại cơ sở y tế theo đăng ký.

* Tại châu Âu, Bỉ đã quyết định tạm thời đóng cửa đối với du khách đến từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không, do lo ngại sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở những quốc gia này.

Những người trở về từ các nước trên buộc phải thực hiện các quy tắc kiểm tra và kiểm dịch nghiêm ngặt hơn. Những người có quốc tịch Bỉ cũng như những người thường trú ở Bỉ, có thể trở về nước từ Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Kết quả một nghiên cứu công bố ngày 28/4 tại Anh cho thấy, nếu một người nhiễm Covid-19 được tiêm một liều vaccine của Pfizer hoặc AstraZeneca, nguy cơ lây nhiễm từ người đó sang các thành viên khác trong gia đình có thể giảm tới 50% .

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE), những người mắc Covid-19 sau 3 tuần kể từ khi tiêm mũi vaccine đầu tiên có nguy cơ truyền bệnh cho người nhà thấp hơn khoảng 38-49% so với những người chưa được tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá, kết quả nghiên cứu trên là dữ liệu toàn diện nhất cho thấy vaccine có thể giảm khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 và là giải pháp hữu hiệu nhất để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Hãng thông tấn TASR của Slokvakia đưa tin, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày nữa. Theo kế hoạch, tình trạng khẩn cấp hiện nay tại Slovakia kết thúc vào ngày 28/4.

Tuy nhiên, việc gia hạn mới của chính phủ vẫn cần phải được Quốc hội thông qua. Lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ bắt đầu muộn hơn 1 giờ so với quy định trước đây, tức là vào lúc 21h kể từ ngày 29/4.

* Ngày 27/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hơn 10 nước trên thế giới đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Ấn Độ và đang khiến số ca nhiễm tăng đột biến tại quốc gia Nam Á này.

Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch tễ hằng tuần, WHO khẳng định, đến nay biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước. Đa số các chuỗi trình tự là của các nước Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore.

Theo WHO, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng làn sóng dịch thứ hai tại Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên.

Bên cạnh đó, các hoạt động tụ tập đông người và việc người dân phớt lờ các biện pháp phòng dịch cũng là những yếu tố khiến tình hình dịch bệnh tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này thêm trầm trọng.

(tổng hợp)