📞

Cập nhật Covid-19 ngày 30/8: Làn sóng thứ 4 tăng tốc ở Đức; dịch ở Đông Nam Á phức tạp; xuất hiện mối đe dọa mới'?

Việt Hà 12:04 | 30/08/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 217,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 4,52 triệu người tử vong và hơn 194 triệu bệnh nhân bình phục.

Tình hình dịch Covid-19

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 654.689 ca tử vong trong tổng số 39.665.515 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 438.387 ca tử vong trong số 32.737.569 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 579.330 ca tử vong trong số 20.741.815 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 601 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 298 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong khoảng 43,1 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 62,7 triệu người mắc Covid-19, trong đó số ca thiệt mạng vượt 1,2 triệu. Châu Á ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 69,6 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 664.100 ca tử vong trong hơn 40,2 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận hơn 194.100 ca tử vong, Trung Đông có hơn 179.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.600 người.

Số ca mắc Covid-19 và tử vong do căn bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng ở nhiều nước trên thế giới.

Tại châu Mỹ

Ngày 29/8, Bộ Y tế Mexico thông báo có thêm 6.837 ca bệnh mới, trong đó có 259 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh và tử vong do Covid-19 lên lần lượt 3.335.700 người và 258.165 người.

Cuba cũng có thêm 6.277 trường hợp mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 77 trường hợp tử vong. Hiện tổng số người mắc bệnh và tử vong do Covid-19 tại đảo quốc Caribbean này lần lượt là 640.438 và 5.144 người.

Mặc dù vậy, dữ liệu của Bộ Y tế Cuba cho thấy, số người phải nhập viện điều trị do Covid-19 ở nước này hiện đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7 vừa qua, với 38.391 bệnh nhân đang nằm viện.

Chính phủ Cuba đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đại trà. Hiện đã có 30,3% dân số Cuba được tiêm ngừa Covid-19, với các loại vaccine do nước này sản xuất là Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus.

Tại châu Âu

Bộ trưởng Y tế Czech Adam Vojtěch cho biết, chính phủ nước này không có kế hoạch đóng cửa các cửa hàng và dịch vụ nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến xấu vào mùa Thu.

Bộ trưởng Vojtěch nhấn mạnh trong trường hợp dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất, các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn được áp dụng, các sự kiện tập trung đông người sẽ bị hạn chế, song các cửa hàng và dịch vụ vẫn hoạt động.

Đức, báo cáo mới nhất của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cảnh báo tình trạng số ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này gia tăng mạnh trong nhóm người trẻ từ 10-24 tuổi, trong bối cảnh số ca nhiễm mới cũng có dấu hiệu gia tăng tại hầu hết các bang.

Báo cáo nhấn mạnh, làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang "tăng tốc", đặc biệt là ở nhóm người trẻ với số ca nhiễm mới được ghi nhận trung bình trong một tuần qua ở nhóm từ 15-19 tuổi là 282,7; nhóm tuổi từ 10-14 là 372,8 và từ 5-9 tuổi là 316,4. Ở các nhóm tuổi khác, con số lớn nhất chỉ là 186,4.

Theo nhà miễn dịch học Reinhold Förster thuộc trường Đại học Y Hannover, tình trạng trẻ em nhiễm Covid-19 cũng đã thực sự bắt đầu.

Trong khi đó, số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt trên cả nước Đức lần đầu tiên tăng lên hơn 1.000 ca trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.

Tuy dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng trở lại, trong hai ngày cuối tuần, tại thủ đô Berlin của Đức đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành phản đối các biện pháp chống dịch của chính quyền.

Tại châu Á

Tình hình dịch bệnh ở Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao.

Bộ Y tế Philippines thông báo số ca mắc Covid-19 đã lên mức 1.954.023 ca sau khi ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, mức cao thứ nhì theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây.

Biến thể Delta cùng với việc người dân di chuyển nhiều và không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch là những yếu tố khiến số ca mắc tại Philippines tăng mạnh với số ca lây nhiễm mới trung bình vượt mốc 12.500 ca/ngày kể từ đầu tháng 8.

Tính đến 26/8, Philippines đã tiêm gần 32 triệu liều vaccine với 13,5 triệu người đã tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay.

Biến thể Delta cũng trở thành mối quan ngại của Campuchia khi nước này tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc biến thể nguy hiểm này.

Bộ Y tế Campuchia thông báo đã ghi nhận 218 ca mắc biển thể nguy hiểm này trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc biến thể Delta tại Campuchia cho tới này lên tới 1.752 ca.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 438 ca mắc mới và 11 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt 92.208 và 1.881 trường hợp.

Khoảng 10,44 triệu người, tương đương 65,25% dân số Campuchia, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi đó 8,34% đã hoàn thành tiêm chủng.

Tại Lào, Bộ Y tế nước này thông báo trong 24 giờ qua, đã ghi nhận 195 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 97 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Trong số các ca mắc mới, thủ đô Vientiane ghi nhận 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có lịch sử di chuyển nhiều nơi, làm gia tăng cao nguy cơ lây nhiễm.

Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc mới và 264 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 1.174.091 ca, trong đó có 11.143 ca tử vong. Riêng thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới.

Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7. Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Cho tới nay, khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều.

Bất chấp dịch bệnh phức tạp, Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) thông báo, chính phủ nước này sẽ cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế, với công suất hoạt động khoảng 75%.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó với sự gia tăng các ca mắc Covid-19 ở những lao động nhập cư vốn dễ bị lây nhiễm tập thể do môi trường sống thường xuyên đông người và điều kiện làm việc kém.

Tính riêng từ ngày 22-28/8, đã có 1.643 công dân nước ngoài được xác nhận mắc Covid-19, chiếm 13,8% tổng số ca nhiễm trên cả nước.

Các cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết, số ca mắc Covid-19 ở lao động nhập cư gia tăng là do biến thể Delta rất dễ lây lan, cũng như môi trường sống chật chội và điều kiện làm việc không tốt.

Vaccine và tiêm chủng

Tại Czech, đến nay, hơn 50% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ. Thủ tướng nước này Andrej Babiš cho biết, việc tiêm chủng liều thứ 3 sẽ bắt đầu được triển khai vào trung tuần tháng 9 đối với những nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, nhân viên y tế và công tác xã hội..

Việc tiêm liều tăng cường là hoàn toàn tự nguyện.

Tương tự, Hội đồng Y khoa quốc gia của Ba Lan đã cho phép triển khai tiêm liều vaccine tăng cường cho một số nhóm ưu tiên là các bệnh nhân ung thư và ghép tạng, những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân HIV và những người đang chạy thận nhân tạo.

Nước này sẽ tiêm mũi thứ 3 cách mũi tiêm thứ 2 tối thiểu 28 ngày.

Khoảng 18,6 triệu người ở quốc gia 38 triệu dân này đã được chủng ngừa đầy đủ, trong khi 17,4 triệu người khác được tiêm mũi đầu tiên của vaccine ngừa Covid-19.

Bộ Y tế Israel thông báo mở rộng chương trình tiêm liều vaccine phòng Covid-19 bổ sung cho mọi công dân từ 12 tuổi trở lên, trong nỗ lực kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại quốc gia Do Thái này.

Liều bổ sung này sẽ được tiêm cho bất cứ công dân nào từ 12 tuổi trở lên của Israel có nhu cầu, với điều kiện cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 5 tháng. Những người đã tiêm cả 3 liều vaccine sẽ chỉ phải cách ly trong 24 giờ nếu trở về từ nước ngoài, thay vì 1 tuần như quy định hiện hành.

Hiện Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tại Israel đã có gần 2 triệu người tiêm liều bổ sung, trong tổng số hơn 6,95 triệu người đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Singapore trở thành nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới với 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân nước này đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.

Giới chức Singapore thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt cột mốc tiêm ngừa Covid-19 cho 80% dân số.

Hiện giới chức y tế nước này đang cân nhắc khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.

Biến thể mới

Vừa qua, nhóm nhà nghiên cứu tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Trung tâm Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal ở Nam Phi phát hiện, biến thể mới có tên C.1.2 chứa nhiều đột biến nhất so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Biến thể này lần đầu được phát hiện tại Nam Phi hồi tháng 5/2021 và kể từ đó đã lan đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Congo, Mauritius, New Zealand, Anh, Bồ Đào Nha và Thuỵ Sỹ.

Trong bài đăng trên trang dữ liệu y tế medRxiv.org, các nhà khoa học cho biết, C.1.2 có khả năng lẩn tránh khỏi những kháng thể trung hoà nhóm 3 gặp ở người khỏi bệnh hay được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ngoài ra, C.1.2 có tỷ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ của các biến thể khác. Nó chứa những đột biến đáng lo ngại, trong đó có khả năng xoá mã gene di truyền bên trong protein gai – phương tiện để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người – khiến nó trở nên khó đánh bại hơn.

Bộ Y tế Nam Phi đã gửi cảnh báo đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về biến thể đáng quan tâm C.1.2.