Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 464.974 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó Ấn Độ có số ca nhiễm mới cao nhất, với 96.557 ca, tiếp sau là Mỹ 49.584 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 42.551 ca, Brazil 38.233 ca...
Mỹ, Brazil và Ấn Độ hiện là 3 nước có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, lần lượt ở con số 31,48 triệu ca, 13,02 triệu ca và 12,68 triệu ca.
* Tại Mỹ, số ca nhiễm SARS-CoV-2 có chiều hướng tăng mạnh tại khu vực Vịnh San Francisco trong tuần kết thúc vào ngày 2/4 với số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày ở mức tăng 8,7% so với tuần trước đó. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi tại Mỹ đã vượt con số 555.000 ca.
Ngày 5/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington có thể sẽ sớm tăng cường hỗ trợ vaccine cho nước ngoài, mặc dù ở thời điểm hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là ứng phó với dịch Covid-19 trong nước.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này sẽ sớm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine cho 90% dân số vào ngày 19/4 như cam kết của Tổng thống Joe Biden.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ đã bổ nhiệm cựu quản lý của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Gayle Smith làm Điều phối viên về an ninh y tế và ứng phó với dịch Covid-19 toàn cầu.
* Tại khu vực Nam Mỹ
Colombia đang phải ứng phó dịch bệnh nghiêm trọng. Nước này đã ban bố một số biện pháp phòng dịch tại một số thành phố, trong khi số bệnh nhân Covid-19 điều trị tại khu vực chăm sóc tích cực đã chiếm tới 70% tổng số giường bệnh.
Theo Bộ Y tế, đến nay, Colombia ghi nhận 2,43 triệu ca nhiễm, bao gồm 63.932 ca tử vong do Covid-19.
Ngày 5/4, Cuba ghi nhận thêm 1.066 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, quốc gia vùng Caribbean ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trên 1.000 ca/ngày. Hiện tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Cuba đã lên tới 80.610 ca, trong đó có 436 bệnh nhân tử vong.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản vay trị giá 150 triệu USD cho Ecuador để giúp nước này mua và phân phối các loại vaccine ngừa Covid-19.
Ngày 5/4, Thượng viện Chile đã thông qua dự luật thay đổi lịch tổ chức cuộc bầu cử quốc hội, thống đốc, thị trưởng và hội đồng địa phương do tình hình đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại và có những diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Trước đó, cuộc tổng tuyến cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/4 tới.
Theo dự luật, các cuộc bầu cử sẽ được lùi tới ngày 15-16/5, trong khi vòng 2 cuộc bầu cử thống đốc các địa phương sẽ hoãn tới ngày 13/6 và cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ sẽ diễn ra vào ngày 18/7.
Dự luật này vẫn cần được Hạ viện Chile thông qua.
Cùng ngày, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ đề nghị Moscow bảo đảm nguồn cung thường xuyên cho Buenos Aires loại vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 do Viện Gamaleya (Nga) bào chế.
* Tại châu Á, ngoài điểm nóng dịch bệnh tại Ấn Độ, Iran ghi nhận 13.980 ca nhiễm mới và 172 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua.
Iran và Indonesia hiện là 2 nước châu Á có tổng số nhiễm SARS-CoV-2 cao hàng đầu tại châu lục, sau Ấn Độ, với số ca nhiễm lần lượt là 1,94 triệu ca và 1,53 triệu ca.
Trong khi đó tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ở tỉnh Osaka, phía Tây nước này, đã giảm mạnh, từ mức đỉnh 654 ca vào ngày 3/4 xuống còn 341 ca vào ngày 5/4.
Tình trạng này diễn ra ngay sau khi chính quyền tỉnh Osaka bắt đầu triển khai các biện pháp phòng dịch trọng điểm theo yêu cầu của chính phủ.
Mặc dù vậy, so với thủ đô Tokyo, số ca nhiễm mới ở Osaka vẫn còn khá cao khi Tokyo chỉ ghi nhận 249 ca trong ngày 5/4. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Osaka cao hơn ở Tokyo và là ngày đầu tiên số ca nhiễm mới ở Tokyo giảm xuống dưới 300 trong 7 ngày qua.
Trong diễn biến liên quan, Ban Tổ chức lễ rước đuốc Olympic Tokyo của tỉnh Osaka vừa chính thức đề nghị Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo chuyển địa điểm tổ chức sự kiện này từ thành phố Osaka sang các địa điểm khác trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở đây.
Theo đề xuất của Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura, lễ rước đuốc, dự kiến sẽ diễn ra ở Osaka vào ngày 14/4, sẽ không được tổ chức trên đường phố để hạn chế người dân tập trung.
Cùng ngày, hãng dược Pfizer (Mỹ) cho biết đang chuẩn bị ký một hợp đồng mới về việc cung cấp vaccine Covid-19 cho Israel sau khi kết thúc thỏa thuận cung cấp đầu tiên được ký hồi cuối năm 2020.
Pfizer và đối tác BioNTech hồi tháng 11/2020 đã nhất trí cung cấp cho Israel một số lượng không được tiết lộ vaccine phòng Covid-19 và Bộ Tài chính Israel cho biết đã chi trả khoảng 2,6 tỷ NIS (tương đương 785 triệu USD).
Đến nay, 5,27 triệu công dân Israel trên 16 tuổi đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 4,84 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi trong tổng số 9,3 triệu dân Israel. Số liệu này cho thấy Israel là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất thế giới.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5/4 đã xác nhận khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người sang một số loại vật nuôi và động vật hoang dã như chó, mèo, chồn, chó gấu trúc, sư tử và hổ, đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của virus đối với các loài động vật khác.
Đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovic cho rằng điều quan trọng là phải biết những loài động vật nào dễ nhiễm virus nhất để tìm ra các ổ dịch từ động vật tiềm tàng và tránh những đợt bùng phát trong tương lai.
Hơn nữa, theo bà Vujnovic, WHO khuyến cáo những người dương tính với virus SARS-CoV-2 nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi. Hiện tại, những người mắc Covid-19 và những người có nguy cơ nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và các động vật khác.
Do virus dịch chuyển trong người dân và động vật, gen của virus có thể biến đổi và khiến cho việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này trở nên phức tạp.
Theo người phát ngôn Liên hợp quốc, sáng kiến phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng cho đến nay đã phân phát hơn 36 triệu liều vaccine cho 86 nước.
Mới đây nhất, cuối tuần qua, Algeria đã tiếp nhận hơn 36.000 liều trong khuôn khổ chương trình này. Lào cũng đã sử dụng vaccine trong COVAX tiêm chủng cho hơn 4.000 người, bao gồm lực lượng nhân viên y tế ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.
Mục tiêu của COVAX là tiêm chủng 20% dân số thế giới, tương đương 1,6 tỷ người trong năm nay.