📞

Cập nhật Covid-19 sáng 26/6: Brazil vẫn 'nóng'; tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn tử vong ở Indonesia; tin vui cho phụ nữ mang thai tại Nga

12:10 | 26/06/2021
Tâm dịch Covid-19 hiện nay của thế giới là Brazil với thêm tới 79.277 ca nhiễm mới và 1.990 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Cập nhật Covid-19 sáng 26/6: Brazil vẫn 'nóng'; EU vượt mục tiêu tiêm vaccine; Nga sẽ tiêm chủng cho phụ nữ mang thai.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 26/6 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 181.160.317 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.924.421 ca tử vong. Ba nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 34.481.830 (tăng 14.648 ca trong 24 giờ qua) và tổng số ca tử vong là 619.142 (tăng 377 ca).

Ấn Độ có thêm 49.052 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 30.182.469, trong đó có 394.524 trường hợp tử vong (tăng 1.186 ca trong một ngày qua).

Tâm dịch hiện nay của thế giới là Brazil có thêm tới 79.277 ca nhiễm mới và 1.990 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Nam Mỹ này lên lần lượt là 18.322.760 và 511.272 ca.

Toàn châu Á đã có thêm 135.278 ca nhiễm mới và 1.186 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong khi diễn biến dịch bệnh tại châu Âu đã có phần dịu bớt khi toàn châu Âu có thêm 50.777 ca nhiễm và 971 ca tử vong.

Ngày 25/6, ông Christoph Berger, người đứng đầu Ủy ban Liên bang về Tiêm chủng của Thụy Sỹ, cảnh báo nguy cơ từ biến thể Delta, song cũng cho rằng người dân không nên quá lo ngại vào thời điểm này.

Hiện Chính phủ Thụy Sỹ đang theo dõi hết sức chặt chẽ sự lây nhiễm của biến thể Delta trong bối cảnh tiêm chủng vẫn chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng.

Ông Berge khẳng định Thụy Sỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng ứng phó cho biến thể Delta của Covid-19 được biết là dễ lây lan hơn những biến thể khác, nhưng những người tiêm vaccine đầy đủ được bảo vệ gần như 90%.

Ông Berger cũng nhấn mạnh rằng tình hình ở Thụy Sỹ khác với Anh, nơi biến thể Delta đã trì hoãn kế hoạch nới lỏng các hạn chế.

Trên cơ sở diễn biến tích cực tình hình kiểm soát dịch bệnh, Hội đồng liên bang Thụy Sỹ ngày 23/6 đã quyết định tiếp tục nới lỏng mạnh hơn dự kiến trước đó các biện pháp hạn chế xã hội và quy định nhập cảnh.

Chính phủ Thụy Sỹ nhận định các bước nới lỏng trước đó từ 19/4 và 31/5 đã không có tác động tiêu cực. Tình hình dịch bệnh diễn biến khả quan với số ca nhiễm mới, ca nhập viện đều giảm mạnh. Khoảng 50% dân số trưởng thành sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 6/2021.

Việc triển khai tiêm chủng vẫn tiếp tục trên toàn quốc nhưng đã chậm lại. Tổng cộng, 7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm từ cuối tháng 12 đến ngày 23/6. Hơn 32% dân số được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi và gần 17% người dân đã được tiêm 1 liều. Chỉ còn lại khoảng 51% dân số Thụy Sỹ chưa được tiêm phòng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, tính đến ngày 27/6, sẽ có khoảng 60% dân số trong toàn Liên minh châu Âu (EU), tức 220 triệu người, được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Bà von der Leyen nhấn mạnh EU đã đạt được các tiến bộ vững chắc về tiêm chủng.

Trong quý II, toàn khối đã vượt mục tiêu về vaccine. Dự kiến, 424 triệu liều vaccine sẽ được chuyển tới 27 quốc gia thành viên vào cuối tuần này, trong đó chủ yếu là các loại vaccine cần tiêm 2 liều để bảo vệ đầy đủ.

Điều này đảm bảo cho toàn EU đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành vào cuối tháng 7.

Tại Nga, chính quyền đang tích cực xúc tiến mở rộng đối tượng nghiên cứu và sử dụng vaccine Sputnik-V để tiêm chủng ngừa Covid-19, bao gồm phụ nữ mang thai, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới đang diễn tiến ngày một nghiêm trọng hơn tại quốc gia này.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết các chuyên gia đã cho phép sử dụng vaccine Sputnik-V đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19 dạng nặng.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số phụ nữ mang thai bị nhiễm Covid-19 đang tăng cao, và các trường hợp bệnh diễn tiến nặng cũng đã được ghi nhận.

Ông Murushko nhấn mạnh việc gỡ bỏ chống chỉ định sử dụng vaccine Sputnik-V với phụ nữ mang thai sẽ mở ra cơ hội đối với nhóm đối tượng nhạy cảm có nguy cơ diễn tiến nặng cao khi mắc bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế Nga chưa nói rõ việc tiêm vaccine Sputnik-V đối với phụ nữ mang thai là bắt buộc hay tự nguyện.

Hiện làn sóng mới lây nhiễm Covid-19 đã diễn tiến nghiêm trọng ở Nga, phần lớn do biến chủng Delta. Ngày 25/6, Nga ghi nhận 20.393 ca nhiễm mới và 601 ca tử vong.

Trong khi đó, Uzbekistan đã áp đặt các hạn chế đi lại tới thủ đô Tashkent của nước này. Theo đó, người dân chỉ có thể đến thủ đô Tashkent bằng xe buýt và ô tô trong trường hợp khẩn cấp, trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 28/6.

Ủy ban phòng, chống Covid-19 của Uzbekistan cũng đề nghị các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện bên ngoài thay vì vào bên trong thánh đường.

Bên cạnh đó, Uzbekistan cũng yêu cầu toàn bộ du khách đến từ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta, gồm Ấn Độ, Nga và Bồ Đào Nha, phải xét nghiệm Covid-19 bắt buộc khi nhập cảnh nước này.

Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, những người này sẽ không được phép nhập cảnh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hy vọng người dân châu Âu sẽ sớm có thể đến Mỹ trong bối cảnh mối quan ngại về Covid-19 giảm xuống. Ông hy vọng việc này có thể diễn ra trong vài tuần chứ không phải vài tháng tới.

Tuyên bố trên được ông Blinken đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu đã mở cửa trở lại cho những người Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc có xét nghiệm âm tính với Covid-19, đồng thời hối thúc Mỹ nhanh chóng làm điều tương tự.

Cũng liên quan đến dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Tunisia ngày 25/6 thông báo Thủ tướng Hichem Mechich đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thông báo của Chính phủ Tunisia cũng xác nhận Thủ tướng Mechich sẽ hoãn các cuộc họp và tiếp tục làm việc từ xa.

Trong diễn biến liên quan, chuyên gia dịch tễ học cấp cao Trung Quốc Zhong Nanshan ngày 25/6 khẳng định các vaccine của Trung Quốc hiệu quả với biến thể Delta, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm để tạo miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Nanshan, Quảng Đông (Quangzhou) là tỉnh đầu tiên của Trung Quốc ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Delta. Đây là loại biến thể có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và thời gian để khỏi bệnh dài hơn.

Cựu Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) Feng Zijian cho biết: “Trong đợt bùng phát dịch tại Quảng Đông, những trường hợp từng tiêm vaccine đều không bị nặng, trong khi tất cả các ca bệnh nặng đều là ca chưa được tiêm phòng".

Tuy nhiên, theo ông Feng, hiện chưa có số liệu chính xác bao nhiêu người trong số này nhiễm biến thể Delta.

Tại Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan đã quyết định đóng cửa những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm các khu tập thể công nhân xây dựng ở thủ đô Bangkok và các vùng lân cận cùng 4 tỉnh biên giới phía Nam trong 30 ngày kể từ ngày 28/2.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ áp đặt các hạn chế đi lại đối với những người đến từ những khu vực có nguy cơ cao để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Quyết định nói trên được đưa ra bất chấp việc một số bác sĩ cấp cao đề xuất chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa Bangkok trong 7 ngày do thiếu giường bệnh và nhân viên y tế sau khi các ca mắc mới Covid-19 gia tăng. Chính phủ Thái Lan bác bỏ ý tưởng phong tỏa toàn bộ ở Bangkok vì lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng có thể phát sinh từ một động thái như vậy.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết theo các biện pháp sẽ được áp dụng ở Bangkok cùng các tỉnh lân cận và ở các tỉnh miền Nam gồm Pattani, Yala, Songkhla và Narathiwat, các khu tập thể công nhân xây dựng sẽ đóng cửa trong 1 tháng. Các dự án xây dựng cũng sẽ phải tạm dừng và các hợp đồng xây dựng sẽ được phép gia hạn. Bộ Lao động sẽ bồi thường cho những công nhân mất việc làm trong thời gian này.

Thái Lan ngày 26/6 ghi nhận thêm 4.161 ca mắc mới Covid-19 cùng 51 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh từ trước tới nay lên 240.452 ca, trong đó 1.870 người không qua khỏi.

Hiệp hội Y khoa Indonesia ngày 25/6 cho biết hơn một chục bác sĩ được tiêm phòng đủ hai mũi vaccine đã tử vong vì mắc Covid-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ứng phó với sự gia tăng các ca bệnh nặng trong số các nhân viên y tế và các biến thể mới của virus có khả năng lây lan mạnh.

Trong tuần trước, số ca nhiễm trên cả nước đã tăng cao, vượt mốc 2 triệu ca vào ngày 21/6, khiến tỷ lệ nằm viện tăng lên hơn 75% tại thủ đô và nhiều khu vực có dịch.

Indonesia đang ứng phó với nhiều biến thể của virus, trong đó có biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Các triệu chứng lâm sàng cho thấy biến thể này là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao tại Tây Java.

Hiện hàng chục thành phố ở Trung Java cũng đã phải phong tỏa sau khi ghi nhận biến thể Delta trong các mẫu xét nghiệm ở địa phương. Sự gia tăng số ca nhiễm được cho là do hàng triệu người đã từ khắp nơi đến vùng này vào dịp kết thúc tháng lễ Ramadan bất chấp lệnh cấm đi lại.

Người đại diện Hiệp hội Y khoa Indonesia, ông Ahmad Ipul Syaifuddin cho biết sự di chuyển hàng loạt của mọi người đã gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc lây nhiễm. Ông nói: "Chúng tôi không có manh mối vào để truy vết và tìm người đầu tiên làm lây lan biến thể Delta vì các kết quả xét nghiệm được đưa ra khoảng 3 tuần sau khi xảy ra sự kiện trên".

(tổng hợp)