Ngăn chặn sự tiếp cận của Huawei tới công nghệ Mỹ có thể lại khuyến khích các công ty nước ngoài tái thiết kế chuỗi cung ứng xung quanh công nghệ không phải của Mỹ. (Nguồn: FT) |
Người ta nói đây là lời lẽ chống Trung Quốc cực đoan nhất của Tổng thống Mỹ Trump từ trước tới nay, cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều nhất trí rằng, từ vị trí cạnh tranh, Trung Quốc đã trở thành đối thủ và thậm chí là kẻ thù.
"Ca giải phẫu" khó
Washington đã bị ám ảnh về việc "phân tách" - một khái niệm ám chỉ Mỹ và Trung Quốc cần phải cắt đứt chuỗi cung ứng phức tạp gắn kết giữa hai nền kinh tế. Nhưng dù việc phân tách được chính thức đề cập nhiều lần, hầu như chưa có sự thống nhất về nội hàm thực sự của quá trình phân tách này.
Nó có nghĩa là giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của kinh tế Mỹ, hay làm cho Mỹ ít lệ thuộc hơn vào Trung Quốc, hay đó là việc khai thác sự phụ thuộc công nghệ của Trung Quốc vào Mỹ, hoặc là rút hoàn toàn khỏi WTO?
Để chuyển hóa tất cả những đề xuất này thành chính sách hiệu quả sẽ đòi hỏi một mức độ hiểu biết kỹ thuật mà hiện cả chính quyền và khu vực tư nhân hiện chưa có. Tiến về phía trước trong bối cảnh chưa rõ ràng này có nguy cơ gây tổn hại cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Những nỗ lực cắt đứt các mối ràng buộc hiện nay với Trung Quốc có thể dẫn đến việc triệt tiêu những mối quan hệ kinh tế lành mạnh và quan trọng không chỉ với Trung Quốc, mà với cả phần còn lại của thế giới. Ngăn chặn sự tiếp cận của Huawei tới công nghệ Mỹ có thể lại khuyến khích các công ty nước ngoài tái thiết kế chuỗi cung ứng xung quanh công nghệ không phải của Mỹ.
Bởi vậy, thay vì cắt đứt, Mỹ cần phải suy tính việc ‘tái liên kết’ các mối quan hệ cung ứng để giảm bớt tính dễ bị tổn thương trước các rủi ro và sự tấn công.
Phân tách các mối quan hệ kinh tế phức tạp giữa các nước cũng tương tự như việc tiến hành một ca giải phẫu khó. Cần phải nắm rõ vị trí các bộ phận thiết yếu trong cơ thể bệnh nhân trước khi cắt bỏ nó. Chính quyền Tổng thống Trump đã có bài học đau đớn vào tháng 4/2018 khi áp đặt trừng phạt đối với Tập đoàn nhôm khổng lồ Rusal của Nga để đáp trả cho sự can thiệp của nước này vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, nhôm của Rusal là sản phẩm đặc biệt thiết yếu đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu và họ bị đe dọa phải trả những khoản tiền phạt lớn nếu tiếp tục làm ăn với thực thể này của Nga. Cuối cùng, trước áp lực của ngành công nghiệp ô tô châu Âu, Tổng thống Trump phải thay đổi quyết định và dỡ bỏ trừng phạt Nga.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng đang có những suy nghĩ tương tự về Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc không dễ dàng tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu, thậm chí nó thực chất là thực thể sinh đôi dính liền, gắn kết bằng hệ thần kinh, chia sẻ hệ hô hấp và các bộ phận chung.
Đại dịch covid-19 làm bộc lộ những điểm dễ tổn thương ẩn trong hệ thống liên kết chặt chẽ của chuỗi cung ứng, đặc biệt về trang thiết bị y tế. Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung cũng làm lộ rõ những điểm dễ tổn thương tiềm ẩn tương tự trong khu vực công nghệ. Tuy nhiên, cắt đứt “nhầm chỗ” chuỗi cung ứng sẽ dẫn đến hậu quả không mong đợi, như trong trường hợp đối với công ty Rusal của Nga. Và việc đơn giản chỉ cắt đứt cũng không đủ, cần phải tái liên kết chuỗi cung ứng để tăng tính bền vững và tự cường.
Tái gắn kết và tái kết nối
Những thập kỷ qua, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên gắn kết phức tạp và càng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, trong khi kinh nghiệm chính sách kinh tế đối ngoại bị cho là đã tụt hậu. Kết quả là, các nhà hoạch định chính sách đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi không biết phải cứu vãn, cắt đứt hay sắp đặt lại mối quan hệ nào? Trong khi nhu cầu đã trở nên cấp bách thì sự hiểu biết vẫn còn mơ hồ về những mối quan hệ kinh tế có vẻ lành mạnh, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm thiểu nguy cơ không phải là công việc dễ dàng. Sẽ rất khó khăn và tốn kém để thay thế các quan hệ thương mại phức tạp. Vì vậy, các nhà sản xuất không sẵn sàng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trừ khi họ bắt buộc phải làm như vậy.
Các công ty thường giảm chi phí bằng cách sử dụng những nhà cung ứng từ những nước có tài phán lỏng lẻo. Bởi vậy, như trong ngành công nghiệp dược phẩm, việc tăng cường điều tiết thông qua các quy định chặt chẽ như, đòi hỏi các thành phần công khai trên nhãn mác, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất dược phẩm ở nước ngoài… sẽ buộc các công ty dược phẩm phải xem xét lại nơi đặt nhà máy để tránh phản ứng bất lợi của người tiêu dùng, hoặc của các nhà quản lý chính sách. Như vậy, Mỹ sẽ giảm được sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất dược phẩm nước ngoài.
Trên thực tế, những sợi dây ràng buộc cho thấy, cho dù Tổng thống Mỹ Trump có tuyên bố như thế nào, thì việc cắt đứt quan hệ kinh tế Mỹ-Trung là bất khả thi. Bất cứ hành động nào của Mỹ dù là tấn công hay tự vệ, cũng sẽ có phản ứng của Trung Quốc và hệ quả của nó sẽ được “cảm nhận” ở Mỹ.
Ví dụ, việc ngăn chặn Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ sẽ kéo theo nguy cơ Trung Quốc trả đũa. Tách rời Trung Quốc ra khỏi hệ thống công nghệ của Mỹ sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tách Mỹ ra khỏi hệ thống công nghệ của Trung Quốc và qua đó, Mỹ có khả năng mất quyền tiếp cận các hệ thống công nghệ khác.
Khi cuộc ganh đua Mỹ-Trung gia tăng, tương tự như cuộc tranh đua Mỹ-Xô trước đây, nó cần được kiểm soát thông qua tri thức chuyên ngành, quản lý rủi ro và những nỗ lực tạo dựng sự hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ cần những hiểu biết mới để phát triển các học thuyết, chiến lược và chiến thuật để ứng phó với một đối thủ luôn “đi kèm” như Trung Quốc. Đồng thời, họ sẽ phải tạo dựng những hiểu biết và kiến thức chuyên môn mới, thúc đẩy một cộng đồng các chuyên gia và những người hoạt động thực tiễn am hiểu cả về công nghiệp phụ trợ và an ninh quốc gia.
Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải liên kết chiến lược công nghiệp của Mỹ với chiến lược của các nước đồng minh Mỹ ở châu Âu và châu Á. Tất cả những điều này có nghĩa là Mỹ phải tập trung vào việc tái gắn kết thay vì phân tách, tái kết nối thay vì rút lui.