Cây vân sam Sitka được công nhận là "cây cô đơn nhất thế giới". (Nguồn: GNS Science New Zealand) |
Tọa lạc trên một hòn đảo Campbell xa xôi và lộng gió, cách New Zealand chừng 700km về phía Nam mọc lên một cái cây "cô độc nhất thế giới". Với những tán lá rậm rạp cùng chiều cao khoảng 9m, thoạt nhìn, cây vân sam Sitka trông không có vẻ gì đặc biệt.
Với niên đại khoảng 100 năm, cây này đã được Tổ chức kỷ lục thế giới Guiness công nhận là "cô đơn nhất thế giới" bởi trong khu vực 222km xung quanh đó không có bất cứ cây nào khác.
Cây gần nhất của cây vân sam này nằm ở quần đảo Auckland, New Zealand. Mới đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện cây vân sam Sitka nắm giữ bí mật lớn. Cụ thể hơn, sự tồn tại của nó hiện đang thúc đẩy những nghiên cứu đột phá về vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong mắt của các nhà sinh vật học, cây vân sam Sitka được xem là thực vật xâm lấn, làm mất đa dạng sinh học trong vùng. Nhưng với Tiến sĩ Jocelyn Turnbull thuộc GNS Science (New Zealand), loài cây này là công cụ có ích để lý giải những gì đang xảy ra với quá trình hấp thụ CO2 ở Nam Đại Dương.
"Nam Đại Dương là một trong những bể chứa CO2 của thế giới, chiếm khoảng 10% tổng lượng khí thải con người tạo ra trong 150 năm qua. Chúng tôi đã nảy ý tưởng dùng vòng cây để kiểm tra.
Thực vật khi lớn lên sẽ hấp thụ CO2 qua quá trình quang hợp, nhờ đó phát triển các cấu trúc của cây. Vậy nên, CO2 từ không khí sẽ kết thúc trong các vòng cây", chuyên gia Jocelyn cho biết.
Do cây cối ở Nam Đại Dương rất hiếm, chỉ duy nhất có cây vân sam Sitka có thể chứa nguồn cung cấp dữ liệu tốt nhất phục vụ việc nghiên cứu. Theo chuyên gia Jocelyn, vòng cây của cây vân sam này lớn hơn, dễ tách và lấy số liệu hơn. Hiện kết quả vẫn chưa được công bố chính thức.
Tuy nằm đơn độc trên "địa bàn" của mình, nhưng cây vân sam Sitka từ lâu lại trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách ghé qua.
Được biết, cây này chính là "nhân chứng sống" cho sự khởi đầu thế Nhân Sinh (thuật ngữ được một số nhà khoa học dùng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái đất).