📞

Cây xanh cũng cần được ngủ

11:19 | 20/05/2016
Không chỉ ngủ theo mùa như các nghiên cứu từng được công bố, cây cối còn "tranh thủ" nghỉ ngơi mỗi ngày, khi Mặt Trời lặn.

Thoạt nghe, điều này có vẻ hơi kỳ lạ. Nhưng đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học đã quan sát được những thay đổi về thể chất của cây tương tự một số phương thức ngủ ở người và động vật.

Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Áo, Phần Lan và Hungary đã sử dụng máy quét laser để quan sát hai cây lớn và tiến hành rà soát hàng triệu điểm khác nhau trên diện tích bề mặt của chúng. Họ phát hiện ra rằng, cây thực sự “ngủ” trong đêm, một hiện tượng mà các nhà khoa học từ thời Charles Darwin từng ghi nhận.

Đồ họa này cho thấy cây rũ xuống vào ban đêm trong tình trạng tương tự giấc ngủ.(Nguồn: ND)

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các cây này có trạng thái rũ xuống trong đêm. Có sự thay đổi vị trí của lá và cành. Sự thay đổi này không quá lớn, nhưng các thiết bị đo của chúng tôi đã ghi lại được" - nhà nghiên cứu Eetu Puttonen (Viện Nghiên cứu không gian địa lý Phần Lan) cho biết.

Để có được kết quả khách quan về các yếu tố thời tiết và địa điểm, các nhà nghiên cứu đã quan sát một cây ở Phần Lan và một cây khác ở Áo, trong điều kiện lặng gió. Họ thấy rằng, lá và cành cây rũ xuống dần cho đến trước khi Mặt Trời mọc. Vào buổi sáng, các cây lấy lại độ cứng ban đầu của chúng sau vài giờ.

Nhà nghiên cứu András Zlinszky (Trung tâm Nghiên cứu sinh thái Hungary) cho rằng, điều này có thể là do các tế bào bên trong thân cây bị mất áp lực nước, còn gọi là áp lực Turgor. Khi đó, các nhánh và lá cành non dễ bị rủ xuống bởi sức nặng của chính chúng.

"Áp lực Turgor chịu ảnh hưởng của sự quang hợp, mà quá trình quang hợp sẽ tạm dừng sau khi Mặt Trời lặn", ông Zlinsky giải thích.

(theo News Discovery)