Đó là kết quả của công trình nghiên cứu trên quy mô toàn cầu của các nhà khoa học Mỹ được đăng tải trên tạp chí Nature Communications số ra ngày 9/10.
Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra sức khỏe của 300.000 trẻ em và chất lượng nguồn nước ở 35 nước, trong đó có Bangladesh, Nigeria và Colombia. Kết quả cho thấy nếu khu vực đầu nguồn nước có thêm nhiều cây xanh, trẻ khỏe mạnh hơn.
Nghiên cứu cho thấy đầu nguồn nước có thêm nhiều cây xanh, trẻ khỏe mạnh hơn. (Nguồn: Monterey Bay Meditation) |
Nhà nghiên cứu Brendan Fisher thuộc Đại học Vermon (Mỹ), cho biết kết quả nghiên cứu khẳng định rõ rằng một hệ sinh thái lành mạnh có thể hỗ trợ trực tiếp tới sức khỏe con người và phúc lợi xã hội.
Do vậy, ông nhấn mạnh cần tăng gấp đôi hoạt động bảo vệ nguồn nước tùy theo hoàn cảnh thích hợp như là một khoản đầu tư vào y tế cộng đồng. Theo nghiên cứu, việc tăng 1/3 số lượng cây trồng gần nguồn nước tại khu vực nông thôn có thể cải thiện chất lượng nước một cách hiệu quả.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Diego Herrera, một đồng tác giả của công trình nghiên cứu, cho rằng những phát hiện này cho thấy rừng và các hệ sinh thái tự nhiên khác có thể hỗ trợ cho các hệ thống lọc nước truyền thống cũng như "bù đắp" cho hạ tầng cơ sở nghèo nàn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuy là căn bệnh có thể phòng ngừa, tiêu chảy vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ cùng với bệnh sốt rét và viêm phổi. Việc thiếu hệ thống vệ sinh và nước sạch là nguyên nhân gây ra gần 1,7 tỷ trường hợp tiêu chảy ở trẻ mỗi năm.