Yếu tố chính dẫn đến nợ chồng chất”của Mỹ trong những thập niên tới là giả thuyết lãi suất sẽ tăng từ mức thấp trong lịch sử trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. (Nguồn: CNN) |
CBO dự báo, nợ liên bang sẽ đạt 102% GDP vào năm 2021 do các khoản chi lớn liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy vậy, mức chi tiêu này dự kiến sẽ giảm dần trong thập niên tới, đưa thâm hụt hàng năm từ mức 10,3% GDP trong năm 2021 xuống mức trung bình 4,4% GDP trong giai đoạn 2022-2031.
Thâm hụt sau đó được dự báo sẽ tăng lên mức trung bình 7,9% GDP trong giai đoạn 2032-2041 và 11,5% trong giai đoạn 2042-2051.
Các dự báo này không bao gồm bất kỳ tác động nào của dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất, cũng như các khoản đầu tư theo kế hoạch của ông vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và nghiên cứu.
Theo phân tích của CBO, yếu tố chính dẫn đến nợ “chồng chất” của Mỹ trong những thập niên tới là giả thuyết lãi suất sẽ tăng từ mức thấp trong lịch sử trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
CBO dự báo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt trung bình 1,6% từ năm 2021 đến năm 2025, tăng lên 3,0% từ năm 2026 đến năm 2031 và đạt 4,9% vào năm 2051.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng trong những tuần gần đây do sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế Mỹ và lo ngại về khả năng lạm phát tăng đột biến trong tương lai. Lợi suất trái phiếu đã lên tới 1,55% trong ngày 4/3 sau khi dao động dưới 1% trong nhiều năm qua.
Lãi suất thấp đã cắt giảm đáng kể chi phí lãi ròng của Mỹ ngay cả khi nợ tăng.
Trong kế hoạch kích cầu của ông Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh, chi phí lãi suất thấp hơn tạo ra không gian tài khóa để tăng chi tiêu, đặc biệt là cho các chương trình và dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phân tích của CBO cho thấy, lãi suất cao hơn làm tăng thâm hụt hàng năm và tỷ lệ nợ trên GDP.