Nhỏ Bình thường Lớn

Chăm sóc y tế trên vũ trụ

Khoa học đã chứng minh, sống trong môi trường không trọng lực dài ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể con người. Vậy các phi hành gia sẽ được chăm sóc như thế nào khi gặp vấn đề về sức khỏe?

Làn da bỏng rát, những cơn đau cơ mỗi khi vận động là những vấn đề về sức khỏe thường trực mà Scott Kelly – phi hành gia vừa trở về  Trái Đất phải đối mặt sau thời gian kỷ lục 340 ngày sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Nhiều nguy cơ

Một năm trước, Scott đã tham gia dự án Sinh đôi của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng người em song sinh Mark Kelly, cựu phi hành gia NASA. Dự án nhằm đánh giá sự khác biệt của cặp sinh đôi sau một năm sống trong hai môi trường khác nhau. Trong khi Scott hoạt động ngoài không gian thì Mark làm việc ở  Trái Đất.

Kết quả của dự án cho thấy, việc sống quá lâu trong không gian có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Dưới tác động của sự khác biệt về trọng lực giữa vũ trụ và Trái Đất, các nhóm cơ trong cơ thể của các phi hành gia sẽ trở nên mệt mỏi và đau nhức. Điều này được các nhà khoa học lý giải là do ở môi trường không trọng lực, các phi hành gia chủ yếu “trôi bồng bềnh” trên không trung. Vì vậy, khi trở về Trái Đất, làn da sẽ trở nên đặc biệt mẫn cảm.

cham soc y te tren vu tru
Những khóa huấn luyện y khoa ngắn hạn sẽ giúp các phi hành gia ứng phó với các vấn đề y tế thông thường nhất trong môi trường không trọng lực. (Ảnh: NASA)

Không chỉ thay đổi về khả năng thích ứng, các phi hành gia còn phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác như phơi nhiễm bức xạ vũ trụ, suy giảm chức năng các giác quan, mất khả năng định vị phương hướng, suy giảm hệ miễn dịch, loãng xương, giảm thị lực…

Năm 2013, 27 phi hành gia từng làm việc 108 ngày trên ISS được kiểm tra mắt. Kết quả NASA công bố cho thấy nhiều người có những thay đổi bất thường. Theo hình ảnh chụp cộng hưởng từ, 9 người bị sưng các dây thần kinh thị giác, 6 người có phần nhãn cầu phía sau bị dẹt phẳng.

Tham vọng của NASA

Với chuyến du hành kéo dài 340 ngày của Scott Kelly, NASA hy vọng những kết quả thu được sẽ chỉ ra được những mối nguy về thể chất và tinh thần mà một phi hành gia gặp phải khi ở trong vũ trụ quá lâu. Các kết quả này sẽ giúp những chuyên gia của NASA xây dựng các chương trình du hành vũ trụ với thời gian dài hơn, hướng đến sao Hỏa và các hành tinh khác.

Theo tờ Sydney Morning Post, NASA dự tính sẽ đưa phi hành gia lên hành tinh Đỏ trong thập niên 2030 và để làm được điều này, cơ quan này phải đảm bảo những phi hành gia của mình được bảo vệ tối đa. Các nghiên cứu cho thấy, việc bay đến sao Hỏa sẽ tốn ít nhất là chín tháng và những phi hành gia thực hiện sứ mệnh tại sao Hỏa sẽ phải ở lại đây trong một khoảng thời gian dài để nghiên cứu.

Mới đây, NASA đã bắt đầu áp dụng thử nghiệm các khóa huấn luyện y khoa ngắn hạn dành cho các phi hành gia, tương tự như việc đào tạo các nhân viên y tế cho các vùng hẻo lánh ở châu Phi. Theo đó, trước khi được đưa lên vũ trụ, phi hành gia sẽ được hướng dẫn cách khâu vết thương, băng bó, tiêm thuốc và thậm chí là nhổ răng.

NASA kỳ vọng, những khóa học ngắn hạn như vậy sẽ được áp dụng phổ biến trong thời gian tới nhằm giúp các phi hành gia có thể ứng phó với các vấn đề y tế thông thường nhất trong môi trường không trọng lực như đau đầu, đau lưng, các bệnh ngoài da, nha khoa...

Ngoài ra, trên ISS luôn có sẵn những bộ dụng cụ sơ cứu, sách chỉ dẫn về các điều kiện y tế và một vài dụng cụ y khoa hữu ích như máy khử rung tim, máy siêu âm cầm tay, thiết bị soi mắt và 2 lít huyết thanh nhân tạo.

Dù xác suất những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mà các phi hành gia gặp phải không lớn nhưng để thực hiện những dự án chinh phục không gian tham vọng hơn trong tương lai, các nhà khoa học NASA đã tính đến việc nghiên cứu thực hiện các ca phẫu thuật chuyên sâu hơn trong môi trường không trọng lực.

Các nhà khoa học ở Mỹ hiện đang thử nghiệm ý tưởng đặt một thiết bị hình bán cầu trong suốt lên trên vết thương và sau đó đổ đầy dung dịch muối để ngăn không cho máu chảy ra, cho phép bác sĩ phẫu thuật có thời gian để can thiệp.

NASA cũng có kế hoạch sử dụng robot vào việc phẫu thuật trong không gian. Ví dụ Robonaut 2 được đưa lên ISS để thực hiện những can thiệp y khoa cơ bản dưới sự kiểm soát từ mặt đất.

Thu Ngọc (tổng hợp)