Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Viện Koerber. |
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật vai trò quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với sự chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường của cục diện thế giới, ở châu Á - Thái Bình Dương cũng tồn tại những nhân tố bất ổn như tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, nhất là ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển thông điệp rõ ràng về chính sách hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện và tích cực của Việt Nam, về chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chân thành cảm ơn bạn bè trên thế giới - ở châu Âu, ở Đức - đã có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh của khu vực.
Sau đây là trích đoạn nội dung bài phát biểu:
“Chúng tôi kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Chúng tôi kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015, Việt Nam hết sức quan tâm đến tương lai của cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN. Cấu trúc hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình - quá độ với nhiều cơ chế, diễn đàn đa tầng nấc như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... Để bảo đảm vững chắc cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực, châu Á – Thái Bình Dương cần có một cấu trúc bền vững với một hệ thống các nguyên tắc, thể chế khả thi, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong cấu trúc đó, ASEAN cần tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt, kết nối chặt chẽ và xây dựng lòng tin chiến lược giữa tất cả các đối tác liên quan.
Một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu - mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa Châu Âu và Đông Á. Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Với truyền thống hòa hiếu và chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng Luật pháp quốc tế, chúng tôi luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Thời gian qua, công luận trên thế giới, Chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm các nước G7, Cộng đồng ASEAN... đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ lập trường chính nghĩa – phù hợp với Luật pháp quốc tế - của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn bạn bè trên thế giới - ở châu Âu, ở Đức - đã có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh của khu vực”
(Trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Koerber, Đức, ngày 15/10)