Đào tạo bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành ngoại giao, những yêu cầu về ngoại ngữ, hiểu biết về quan hệ quốc tế, luật pháp, kinh tế, và nhất là kỹ năng đối ngoại luôn đòi hỏi được bổ sung, cập nhật thường xuyên. Trong bối cảnh nước ta hội nhập toàn diện vào khu vực và quốc tế, những yêu cầu đó càng trở nên cấp bách.
Trên cơ sở tầm quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cùng với những nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong giai đoạn thực hiện định hướng "triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã phê duyệt Đề án Chương trình tổng thể Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Ngoại giao giai đoạn 2012-2015. Đây thực chất là một chiến lược dài hạn, nhất quán trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao, đặt nền móng cho việc xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và cụ thể hóa việc triển khai các khóa đào tạo bồi dưỡng.
Điều này không có nghĩa trước khi có Đề án, công tác đào tạo bồi dưỡng của Bộ ta không được chú trọng. Trên thực tế, các khóa học vẫn được diễn ra hàng năm. Nhưng từ khi triển khai Đề án, công tác đào tạo bồi dưỡng đã chuyển biến cả về nhận thức, chất lượng, và số lượng, mở ra một trang mới trong công tác bồi dưỡng cán bộ đối ngoại.
Chuyển biến về nhận thức
Một thời gian dài, nhận thức của không ít cán bộ cho rằng các lớp bồi dưỡng mang nặng tính hình thức, hiệu quả không cao và tham gia với tinh thần không nghiêm túc. Điều này không phải không có cơ sở. Lý do có thể là các khóa học chưa được tổ chức quy củ, chuyên nghiệp, thiếu kỷ luật, chất lượng thấp, hoặc do chính thái độ học tập chưa nghiêm tục của bản thân cán bộ. Không ít khóa đào tạo bồi dưỡng được mở ra, song số lượng người học không đầy đủ như ban đầu, hoặc chất lượng không được như mong muốn.
Từ giữa năm 2011 đến nay, sau khi có Đề án, nhận thức về đào tạo bồi dưỡng đã chuyển biến mạnh mẽ. Do gắn chặt với các chính sách cụ thể, đội ngũ cán bộ ngoại giao đều nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc tham dự các khóa đào tạo bồi dưỡng. Lãnh đạo các đơn vị khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng. Nhiều cán bộ ngoại giao chủ động nắm bắt thông tin về các khóa bồi dưỡng và đăng ký với các đơn vị chức năng. Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của công tác này còn thể hiện ở tính kỷ luật, tinh thần nghiêm túc khi tham dự lớp học.
Chất lượng được cải thiện
Chất lượng các khóa đào tạo bồi dưỡng đã được cải thiện, một số khóa đã được học viên công nhận đạt chất lượng cao như Khóa Đào tạo Bồi dưỡng Kỹ năng Công tác Đối ngoại dành cho cán bộ trẻ có triển vọng (hai khóa trong năm 2012 và 2013) và các khóa đào tạo kỹ năng viết diễn văn cho lãnh đạo do Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương và dự án của UNDP phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức.
Điểm đặc biệt đối với các khóa kỹ năng viết diễn văn, Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương đã mời được các giảng viên là những cây viết kỳ cựu phụ trách viết diễn văn cho lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Mỹ, như Giáo sư Edward (Ted) Ladd Widmer - người từng tham gia viết các bài diễn văn cho Tổng thống Bill Clinton.
Bên cạnh đó, các khóa bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quan hệ quốc tế, khóa đào tạo tiền công vụ, khóa đào tạo ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng khác được học viên đánh giá cao về tính hiệu quả.
Để đạt được chất lượng cao, các đơn vị được giao phụ trách như Học viện Ngoại giao và Vụ Tổ chức Cán bộ đã nỗ lực không ngừng trong việc tìm ra phương pháp đào tạo mới. Lấy người học làm trung tâm, tăng thời lượng thảo luận, tăng tính tương tác giữa học viên với học viên, học viên với giảng viên. Mặt khác, đơn vị tổ chức đã nỗ lực mời các giảng viên có tâm huyết, giàu kinh nghiệm như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, Đại sứ Ngô Quang Xuân. Một số đồng chí Lãnh đạo Bộ ta cũng tham gia giảng dạy như Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Sơn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các đơn vị của Bộ.
Để tạo đà thúc đẩy hơn nữa chất lượng trong công tác đào tạo bồi dưỡng, Lãnh đạo Bộ đã đưa ra những hình thức khích lệ rất kịp thời, theo đó việc phong hàm, bổ nhiệm đề bạt, cử đi công tác nhiệm kỳ được gắn liền với kết quả tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng. Mặt khác, đội ngũ cán bộ được giao phụ trách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, mà cụ thể là Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ đối ngoại thuộc Học viện Ngoại giao luôn suy nghĩ tìm tòi những giải pháp, cách thức, mô hình mới.
Gia tăng số lượng
Số lượng các khóa cũng là điểm rất đáng ghi nhận sau khi chúng ta triển khai Đề án trên. Với Đề án này, đối tượng học viên đã trở nên phong phú, từ cán bộ cấp cao sắp được bổ nhiệm làm trưởng các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, tới các đồng chí cấp Vụ, tập sự cấp Vụ, Trưởng phó phòng, tới cấp chuyên viên và cán bộ vừa vào ngành.
Không chỉ cán bộ Bộ ta, mà cán bộ các Bộ, ngành khác và các sở, đặc biệt Sở Ngoại vụ đã được tham gia các khóa học. Học viện Ngoại giao đã tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng công tác đối ngoại và ngoại ngữ cho Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học Công nghệ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… Bên cạnh đó, Học viện phối hợp với Văn phòng Bộ, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị trong Bộ tổ chức các khóa cập nhật, bồi dưỡng kỹ năng công tác đối ngoại cho các Sở Ngoại vụ trên cả nước.
Một trung tâm đào tạo khá đặc biệt là Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Singapore (VSTC) được Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội phối hợp quản lý tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ các bộ ngành và địa phương (trung bình mỗi năm VSTC đào tạo được 30 khóa với 1.000 học viên). Điểm mới trong hai năm qua là các chương trình, nội dung bồi dưỡng của Trung tâm được thiêt kế để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu bồi dưỡng cán bộ đối ngoại của Bộ Ngoại giao và các bộ ban ngành.
Ngoài đối tượng học viên phong phú, sự đa dạng về loại hình kiến thức, kỹ năng đưa vào đào tạo bồi dưỡng hàng năm cũng góp phần đưa số lượng các khóa lên những con số rất đáng ghi nhận. Trong các năm 2012 và 2013, mỗi năm Học viện Ngoại giao tổ chức từ 70 đến 90 khóa đào tạo bồi dưỡng, với số lượng học viên dao động ở mức trên 2.000 người.
“Từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã thực sự được chú trọng, góp phần tạo nên bức tranh tươi sáng về xây dựng ngành của Bộ Ngoại giao. Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, công tác bồi dưỡng cán bộ đối ngoại thời gian tới cần tiếp tục có những bước tiến mới. Chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục triển khai Đề án và giữ được đà phát triển như hiện nay. Cần hướng nhiều hơn vào đào tạo các kỹ năng công tác đối ngoại, nâng cao trình độ ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, đặc biệt là kỹ năng làm việc trong các diễn đàn đa phương”.
“Nếu nhìn lại lịch sử Bộ Ngoại giao, chúng ta thấy rõ khi nào công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng, khi đó sẽ tạo ra được đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên viên thạo việc, ham học hỏi, và có tâm huyết với ngành. Điều này đồng nghĩa công việc của Bộ được hoàn thiện với chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao và được ghi nhận”. |
TS Đặng Đình QuýGiám đốc Học viện Ngoại giao