📞

Châu Á hào hứng ngắm nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ

10:20 | 22/07/2009
Hàng triệu người dân Châu Á đang được chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ - một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú hiếm khi xảy ra. Sáng sớm nay, hiện tượng nhật thực toàn phần đã khiến một số nơi ở Ấn Độ và Trung Quốc chìm trong bóng tối.

Những hình ảnh được truyền hình trực tiếp cho thấy mặt trời đã hoàn toàn bị mặt trăng che lấp ở Taregna, một ngôi làng phía Đông Ấn Độ, lúc khoảng 6h24 (tức khoảng 07h54 sáng theo giờ Hà Nội). Theo các nhà khoa học, đây là nơi tốt nhất để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên thú vị này. Hiện tượng nhật thực toàn phần ở làng Taregna kéo dài trong khoảng 3 phút 48 giây.Sau đó, từ Ấn Độ, nhật thực toàn phần chuyển dần về phía bắc và đông, sang Nepal, Myanmar, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc và Thái Bình Dương. Hiện tượng nhật thực cũng sẽ diễn ra tại một số đảo ở phía Nam Nhật Bản và điểm cuối cùng có thể nhìn thấy hiện tượng đặc biệt này là ở đảo Nikumaroro và quốc gia Kiribati ở Nam Thái Bình Dương. Những nơi khác ở Châu Á sẽ chỉ được ngắm hiện tượng nhật thực một phần.Hiện tượng nhật thực toàn phần kéo dài trong khoảng 6 phút, 39 giây này chỉ có thể được ngắm nhìn ở Châu Á.Hàng ngàn nhà khoa học và những người yêu thích thiên nhiên đã đổ về làng Taregna – nơi được cho là có thể ngắm nhìn rõ nhất hiện tượng nhật thực toàn phần. "Sự thú vị và hiếm có của hiện tượng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ đã thôi thúc chúng tôi đến Taregna. NASA đã tuyên bố đây là nơi lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng trọn vẹn sự kiện này," anh Michel Vancaster, một người yêu thích thiên văn học đến từ Bỉ, cho biết.Trong khi đó, hàng ngàn người dân làng Taregna đã leo lên mái nhà hoặc đổ về những nơi đất trống để ngắm nhìn nhật thực toàn phần. Người dân ở những ngôi làng xung quanh đã đi bộ đến Taregna từ lúc 4h sáng.Những hình ảnh truyền hình trực tiếp từ Ấn Độ còn cho thấy hàng ngàn người dân tập trung ở thành phố Kurukshetra để sẵn sàng ngâm mình xuống dòng sông ở đó khi hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra. Những người theo đạo Hindu của Ấn Độ tin rằng điều đó sẽ giúp họ tẩy rửa mọi tội lỗi.Trong khi nhiều người hoan hỉ vì đã được chiêm ngưỡng trong một thời gian khá dài hiện tượng nhật thực toàn phần thì nhiều người ở các nơi khác của Ấn Độ lại thất vọng vì những đám mây dầy đặc đã không cho họ cơ hội được ngắm nhìn hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đó.Tuy vậy, vẫn có hàng triệu người Ấn Độ trốn trong nhà vì sợ những câu chuyện hoang đường xung quanh hiện tượng này. Những phụ nữ mang bầu ở Ấn Độ được khuyên ở trong nhà vì người ta cho rằng nhật thực toàn phần sẽ gây hại cho đứa trẻ. "Mẹ tôi và dì tôi đã gọi điện bảo tôi phải ở trong phòng tối, kéo rèm cửa lại, nằm trên giường và cầu nguyện," cô Krati Jain, một nhân viên phần mềm đang mang bầu đứa con đầu tiên ở thủ đô New Delhi, cho hay. Thậm chí ở khu vực không thể nhìn thấy hiện tượng nhật thực toàn phần, phụ nữ mang bầu ở Ấn Độ cũng được khuyên nằm trong nhà. Ở bang Punjab, phía Bắc Ấn Độ, các quan chức đã ra lệnh đóng cửa trường học trong một giờ đồng hồ để tránh không cho trẻ chạy ra ngoài và nhìn lên mặt trời. Những người khác xem đây là một cơ hội làm ăn. Một công ty du lịch ở Ấn Độ đã tổ chức một chuyến bay để ngắm hiện tượng nhật thực toàn phần trên không và những chiếc ghế đối diện với mặt trời được bán với cái giá cao ngất ngưởng. Cơ hội đặc biệtKhông chỉ người dân háo hức đón xem nhật thực toàn phần mà các nhà khoa học cũng đổ xô đến Ấn Độ và Trung Quốc để đón chờ một cơ hội mà họ miêu tả là hết sức đặc biệt, phải chờ đợi vài trăm năm mới có.Alphonse Sterling, một nhà vật lý học thiên thể của NASA đang theo dõi hiện tượng nhật thực ở Trung Quốc, cho biết các nhà khoa học hy vọng thu thập được các dữ liệu giúp họ giải thích các tia sáng mặt trời và các cấu trúc khác của mặt trời cũng như việc tại sao mặt trời lại phát ra những tia sáng đó. "Chúng ta sẽ phải đợi vài trăm năm nữa mới có một cơ hội khác để chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần kéo dài lâu như thế. Vì vậy, đây là một cơ hội hết sức đặc biệt," Shao Zhenyi, một nhà thiên văn học ở Đài quan sát Thiên văn học Thượng Hải, Trung Quốc, cho hay. Tại ngôi làng Taregna của Ấn Độ, các nhà khoa học thậm chí còn đặt kính thiên văn và các thiết bị khác từ trước một ngày để có thể tận dụng tối đa cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ."Chúng tôi hy vọng sẽ có được nhiều sự quan sát quý giá về việc hình thành những hành tinh nhỏ xung quanh mặt trời," ông Pankaj Bhama, một nhà khoa học Ấn Độ, nói.Một đoàn các nhà khoa học gồm 10 thành viên từ Viện Vật lý học thiên thể Ấn Độ ở Bangalore và Không quân Ấn Độ đã thực hiện một chuyến bay để quay phim về hiện tượng này. Trong khi đó, bà Lucie Green - một nhà khoa học người Anh chuyên nghiên cứu về mặt trời, đã đi tàu đến một khu vực gần đảo Iwo Jima của Nhật Bản. Đây được cho là nơi bóng của mặt trăng đến gần sát trái đất nhất. "Ánh nắng mặt trời có nhiệt độ là 2 triệu độ C nhưng chúng ta không thể giải thích tại sao nó lại nóng đến mức độ thế. Điều chúng tôi muốn tìm kiếm là sóng điện từ trong quầng sáng của mặt trời. Sóng điện từ có thể tạo ra nhiệt đốt nóng mặt trời. Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu được thêm một phần về mặt trời," bà Green nói thêm. Với thời gian kéo dài 6 phút 39 giây, hiện tượng nhật thực toàn phần diễn ra trong sáng nay là dài nhất kể từ ngày 11/71991. Khi đó, nhật thực toàn phần kéo dài 6 phút, 53 giây và có thể nhìn thấy từ Hawaii đến Nam Mỹ. Sẽ không có thêm hiện tượng nhật thực toàn phần nào dài hơn lần này cho đến năm 2132.Theo VnMedia