Ông Donald Trump đã tuyên bố rằng: "Không có lựa chọn nào khác, bởi chúng tôi sẽ buộc phải thả chúng ra". Trong khi đó, đại diện của chính quyền vùng Đông Bắc Syria nơi đang giam giữ những tay súng thánh chiến nước ngoài kể trên cũng cảnh báo rằng những phần tử này là những "quả bom hẹn giờ", đồng thời kêu gọi những quốc gia châu Âu có liên quan phải cùng "gánh vác trách nhiệm".
Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet. (Nguồn: AFP) |
Pháp “bảo lưu” chính sách hồi hương
Phản ứng trước lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Tư pháp của Pháp Nicole Belloubet khẳng định cho đến nay Paris chưa có chính sách mới đối với việc hồi hương những công dân Pháp gia nhập IS ở Syria mà vẫn thực hiện hồi hương "từng trường hợp một". Theo các nguồn tin của Pháp, hiện có trên 150 công dân nước này, trong đó khoảng 50 người trưởng thành đã bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bắt hoặc giam giữ ở Đông Bắc Syria. Ban đầu rất miễn cưỡng khi thấy những tay súng thánh chiến này trở lại lãnh thổ Pháp, Paris tỏ ra khá cứng rắn trong các tuyên bố liên quan từ nhiều tuần qua, song đến nay, nước này đã dần dần mở đường cho việc "hồi hương nhỏ giọt" những công dân của mình.
Anh phớt lờ sức ép từ Mỹ
Về phần mình, Anh đã thẳng thừng từ chối bất chấp mọi áp lực từ phía Mỹ. London cho rằng những chiến binh nước ngoài của tổ chức IS nên được xét xử ở nơi các tội ác đã được thực hiện. "Các chiến binh nước ngoài nên được đưa ra công lý theo quy trình pháp lý phù hợp trong khu vực tài phán phù hợp nhất. Khi có thể, nó sẽ diễn ra ở khu vực xảy ra tội ác", Người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. (Nguồn: AP) |
Đức công nhận "quyền cơ bản" của công dân
Đức khẳng định những công dân nước này từng đứng trong hàng ngũ IS ở Syria có quyền trở về quê hương của họ. "Tất cả công dân Đức, bao gồm cả những người bị nghi ngờ là thành viên của IS, có quyền cơ bản để trở về Đức", Người phát ngôn Bộ nội vụ Đức cho biết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas lại cho rằng để tổ chức một cuộc hồi hương ở giai đoạn hiện nay là việc làm "cực kỳ khó khăn". Theo ông Maas, việc hồi hương sẽ chỉ có thể được thực hiện nếu chính quyền Đức có thể đảm bảo rằng những người này sẽ được đưa ra xét xử ngay lập tức và phải bị giam giữ.
Áo lấy làm tiếc, Thụy Điển từ chối
Mặc dù có tới 30 công dân tham gia lực lượng thánh chiến của IS ở Syria, nhưng Áo lại “phân trần” về những khó khăn thực tế trong việc hồi hương theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thụy Điển cũng có khoảng 100 công dân tham gia IS song cũng không muốn "đón" họ trở lại nơi "chôn nhau cắt rốn". "Những công dân Thụy Điển tham gia tổ chức IS đã gây ra tội ác trước tiên phải được phán xét tại các quốc gia nơi họ đang ở", Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg tuyên bố. Một thực tế là Thụy Điển hiện chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc xét xử các phần tử khủng bố nên nếu cho hồi hương những công dân tham gia IS thì tòa án nước này cũng không có căn cứ để xét xử.
Số phận của hàng trăm tay súng IS đang bị giam giữ tại Syria là bài toán khó cho EU. (Nguồn: Reuters) |
EU bế tắc về giải pháp
Phát biểu ngay sau cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels về tình hình ở Syria, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini cho biết, đến nay vẫn chưa có quyết định nào ở cấp độ của EU và vấn đề này thuộc thẩm quyền chính phủ của từng quốc gia thành viên.
Câu hỏi đặt ra là số phận của hàng trăm tay súng thánh chiến châu Âu từng chiến đấu ở Syria trong hàng ngũ của tổ chức IS đang bị giam giữ tại đây sẽ ra sao? Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với một số quốc gia châu Âu khi Mỹ rút quân khỏi Syria. Rõ ràng nhiều rủi ro đang rình rập không chỉ với châu Âu mà là cả thế giới một khi các phần tử này trốn thoát trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lãnh thổ Syria.