Nhỏ Bình thường Lớn

“Châu Âu nên để Hy Lạp và Bồ Đào Nha vỡ nợ"

Hai năm dài loay hoay tìm phương thuốc tốt cứu Hy Lạp và vực dậy Bồ Đào Nha, nhưng nỗ lực của châu Âu dường như đều vô hiệu. Giữa bối cảnh khủng hoảng nợ ngày càng căng thẳng và diễn biến theo chiều hướng xấu, một bài viết trên tờ Financial Times (Anh) bày tỏ quan điểm nên để Hy Lạp và cả Bồ Đào Nha sụp đổ.
Tờ Financial Times bày tỏ quan điểm nên để nền kinh tế Hy Lạp và cả Bồ Đào Nha sụp đổ.

Bài học mới

Hai năm trước, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của châu Âu đều tin tưởng rằng Hy Lạp sẽ vượt qua bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, dù đã theo sát nhịp thở của Hy Lạp từ năm 2010, nhưng Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chẳng những chưa thể chặn được cơn khủng hoảng, mà còn đẩy nước này vào cảnh bất an. Các lãnh đạo của khu vực này đã lặp lại những sai lầm mà các quốc gia khác từng vấp phải mà "quên" không tham khảo. Họ cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng và sự tham gia cứu trợ của khu vực tư nhân thực sự có thể giúp giải quyết mối nguy khủng hoảng.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, một số quốc gia Eurozone đã nhận ra rằng chương trình cứu trợ Hy Lạp là một sự thất bại và bắt đầu mất lòng tin vào nền chính trị Hy Lạp. Tờ Le Nouvel Observateur với tít bài "Những người thất bại trong chính sách cứu giúp Hy Lạp" chỉ ra rằng, bộ ba EU, IMF và ECB đã áp đặt cho chính phủ Hy Lạp quá nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng đến mức nghẹt thở và đẩy Athens vào vòng luẩn quẩn: suy thoái-thất nghiệp-thâm hụt ngân sách. Năm 2008, nợ công của Hy Lạp là 263 tỷ euro, thế nhưng năm 2011 lên đến 355 tỷ euro, GDP giảm từ 233 tỷ euro xuống còn 218 tỷ euro, còn thất nghiệp tăng từ 8% lên 18%.

Càng chữa càng nặng, việc cứu hộ được quyết định quá trễ và mức cứu trợ quá thấp. Năm 2010, khi EU hối hả nhóm họp thì tình hình Hy Lạp đã quá nghiêm trọng. Theo nguyên tắc, IMF phải can thiệp lập tức khi nợ công ở mức 44,3% GDP, thế nhưng lúc đó nợ công Hy Lạp đã lên đến 126,8% GDP. EU và IMF đã quyết định cấp gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro cho Hy Lạp, nhưng số tiền này chỉ đủ để cầm cự với nợ công, còn vực dậy nền kinh tế ư? - nhiệm vụ bất khả thi!

Từ bỏ Hy Lạp

Đến hôm nay, sau nhiều tranh cãi, EU đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp. Theo tính toán, với 130 tỷ EUR (khoảng 170 tỷ USD) Hy Lạp sẽ tạm vượt qua nguy cơ vỡ nợ. Một giai đoạn ổn định sẽ được thiết lập. Tuy nhiên, sau một vài tháng, hiệu quả của chương trình sẽ rõ ràng. Việc tiếp tục thắt lưng buộc bụng sẽ khiến sụt giảm kinh tế của Hy Lạp trở nên tồi tệ hơn. Bởi kèm theo gói cứu trợ là những điều kiện ngặt nghèo, trong đó có việc gây sức ép để các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp là các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm xóa nợ dần cho Chính phủ từ 21%, đến 50% rồi 70%. Mục tiêu là muốn giảm nợ công từ 160% GDP hiện tại xuống còn 120% GDP trong năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Hy Lạp phải thật sự cải tổ một cách sâu rộng để lấy lại đà tăng trưởng. Nhưng u ám thay, năm 2011, GDP của Hy Lạp lại giảm thêm 6%, còn năm nay thì tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Nhưng đây không phải là kịch bản bi quan nhất với Hy Lạp vì hiện tại chính quyền đương nhiệm vẫn còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới chính trị. Tuy nhiên, vào tháng 4 tới, với một nhà lãnh đạo mới, liệu sự hợp tác giữa các đảng phái có còn được đảm bảo? Và hơn nữa, chính quyền Hy Lạp mới với bốn năm để xây dựng lại đất nước từ đống đổ nát lại thêm nguy cơ bị khai trừ khỏi Eurozone.

Giả sử kế hoạch tái thiết thành công, tỷ lệ nợ/GDP giảm từ mức hiện tại là hơn 160% xuống còn 120% vào cuối thập kỷ này. Thế nhưng, 120% thì vẫn là quá lớn và không bền vững. Hy Lạp đã từng vỡ nợ. Để xây dựng lại, Hy Lạp cần một hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế tốt, một thị trường lao động hiện đại và một hệ thống chính trị đoàn kết hơn. Chỉ khi tất cả những điều kiện đó được đáp ứng, niềm tin của thị trường tài chính mới bắt đầu quay trở lại. Để hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, Hy Lạp buộc phải giảm tỷ lệ nợ công/GDP xuống khoảng 60%. Điều này đồng nghĩa với việc xóa gần như hoàn toàn các khoản nợ nước ngoài.

Với viễn cảnh này, một số ý kiến cho rằng, tốt hơn hết là yêu cầu Hy Lạp ra khỏi Eurozone ngay bây giờ và sử dụng các quỹ để cứu Bồ Đào Nha.

Nhưng ngược lại, theo Financial Times, tác giả cho rằng, điều tốt nhất mà châu Âu nên làm là công nhận thực trạng vỡ nợ của Hy Lạp và Bồ Đào Nha khi 2 nước này vẫn là thành viên của Eurozone. Tiếp theo đó là sử dụng một quỹ giải cứu để giúp 2 quốc gia này tự xây dựng lại nền kinh tế đồng thời đảm bảo sự sụp đổ này tách biệt đối với phần còn lại của khu vực. Kế hoạch này sẽ rất tốn kém nhưng là cần thiết nếu châu Âu không muốn tiếp tục lãng phí tiếp 2 năm nữa.

Minh Anh