📞

Châu Âu tuyên bố không do dự trong việc đưa ra các quyết định cứng rắn, hối thúc Trung Quốc một vấn đề

Việt An 15:28 | 07/05/2024
Ngày 6/5, tại các cuộc gặp ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo thương mại cân bằng hơn với châu Âu.
Tàu chở hàng Yuxin'ou từ Trung Quốc rời cảng Guoyuan ở Trùng Khánh để đến Duisburg, Đức. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Chuyến thăm châu Âu lần đầu tiên trong 5 năm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm bất đồng thương mại gia tăng, liên quan đến cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) đối với các lĩnh vực của Trung Quốc như xuất khẩu xe điện.

Ngược lại, Trung Quốc đang tiến hành điều tra hầu hết các loại rượu brandy nhập khẩu của Pháp.

Bà von der Leyen khẳng định: "EU không thể giải quyết tình trạng dư thừa công suất sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang khiến hàng hóa tràn ngập thị trường khối này.

Châu Âu sẽ không do dự trong việc đưa ra các quyết định cứng rắn để bảo vệ thị trường, đề cập đến những cuộc điều tra và các biện pháp trừng phạt có thể được thực hiện sau đó".

Mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc bị tổn hại do việc tiếp cận thị trường không công bằng và các biện pháp trợ cấp của Trung Quốc.

Phát biểu với báo giới, ông Macron cho hay, EU ngày nay có một thị trường mở nhất thế giới nhưng khối này muốn bảo vệ thị trường.

Trong các cuộc đàm phán, ông Tập Cận Bình nhất trí rằng những bất đồng thương mại và kinh tế nên được giải quyết thông qua đối thoại.

Chủ tịch Trung Quốc cũng nói về vấn đề vượt công suất của nước này không tồn tại cả về lợi thế so sánh và về nhu cầu toàn cầu.

"Trung Quốc và Pháp sẽ nỗ lực tái cân bằng thương mại", Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là thị trường chủ chốt của nền kinh tế mà xuất khẩu là lĩnh vực mũi nhọn của Đức và các nhà sản xuất ô tô nước này như BMW và Mercedez-Benz.

Paris đang hối thúc Bắc Kinh mở cửa thị trường cho hàng nông sản xuất khẩu và giải quyết các vấn đề xoay quanh các quan ngại của ngành mỹ phẩm về quyền sở hữu trí tuệ.

(theo Reuters)