📞

Châu Âu vẫn cần Nga “sưởi ấm”

19:29 | 27/07/2009
Cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Đức Merkel tuy ngắn ngủi nhưng được giới quan sát rất quan tâm bởi nó diễn ra sau khi 4 nước châu Âu đã ký riêng một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về xây đường ống dẫn khí thuộc dự án Nabucco – một dự án được cho là giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào Mátxcơva.

Chỉ bốn ngày trước khi ông Medvedev tới Đức, bốn nước thành viên EU gồm Áo, Bulgaria, Hungary và Rumani ngày 13/7 đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt, được Mỹ hậu thuẫn, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Thỏa thuận này đánh dấu một mốc quan trọng trong dự án Nabucco - tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 3.300km dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014, với chi phí ước tính khoảng 10,9 tỷ USD, có công suất tải khoảng 31 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ khu vực biển Caspi qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Áo mà không qua Nga. Dự án Nabucco được coi là cạnh tranh với dự án South Stream của Nga xây dựng nhằm chuyển khí đốt của Nga qua Bulgaria tới Tây Âu. Phía Nga cho rằng hai dự án South Stream và Nord Stream đang triển khai đã đủ để cải thiện tình hình an ninh năng lượng của EU và giảm sự phụ thuộc vào những nước nằm trên đường trung chuyển như Ukraine. Dự án Nord Stream được thiết kế có công suất tải 55 tỷ mét khối khí đốt/năm tới các nước phương Tây qua biển Baltic. Trong khi dự án South Stream được xây dựng nhằm cung cấp 63 tỷ m3 khí đốt/năm từ các nước Trung Á và Nga tới vùng Balkan và các nước châu Âu khác qua biển Đen. Cả hai dự án đều có ưu điểm là không đi qua nước trung gian. Còn với dự án Nabucco, hiện có 2 khó khăn chính. Thứ nhất, kinh phí cho dự án là một vấn đề nan giải bởi nhiều nước EU đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Thứ hai, khó giải quyết hơn, là việc khi có đường ống dẫn khí rồi thì nguồn cung cho các đường ống dẫn khí này sẽ lấy từ đâu. Đây cũng là câu hỏi mà ông Medvedev đặt ra đối với bà Merkel. Việc xây dựng các đường ống dẫn khí mới có thể là một biện pháp tốt nhằm tránh những tác động tiêu cực của những sự kiện như tranh cãi Nga – Ukraine nhưng quan trọng hơn là nếu có đường ống nhưng không có nguồn cung thì chẳng có tác dụng gì. Xem ra, trên khía cạnh này, Nga vẫn nắm chiếc chìa khóa quan trọng trong việc giải bài toán năng lượng cho châu Âu. Ngọc Hùng