Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên bày tỏ "quan ngại sâu sắc rằng các cuộc xung đột vũ trang kéo dài đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về nhân đạo cũng như ngăn cản những nỗ lực cứu trợ hiệu quả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói" tại các quốc gia trên.
Tuyên bố trên do Thụy Điển soạn thảo và được Hội đồng Bảo an đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận. Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc chính thức nêu rõ nguy cơ nạn đói liên quan trực tiếp đến các cuộc xung đột vũ trang tại các nước trên. Trong đó, xung đột tại Yemen kéo dài mấy năm qua kể từ khi phiến quân Houthi chống lại các lực lượng chính phủ được sự hậu thuẫn của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu.
Người dân đến nhận lương thực phân phối ở Yemen. (Nguồn: Reuters) |
Nam Sudan rơi vào nội chiến từ năm 2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir phế truất cấp phó. Tại Nigeria, phiến quân Boko Haram hoành hành ở khu vực Đông Bắc nước này, sát hại cả quân chính phủ lẫn thường dân. Còn tại Somalia, xung đột bùng phát từ năm 1991 và hiện vẫn đang trong vòng xoáy bạo lực, trong đó nhóm Hồi giáo al Shabaab có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al Qaeda đã mở rộng hoạt động tại nước này.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an "nhấn mạnh nghĩa vụ của tất cả các bên xung đột vũ trang phải tôn trọng và bảo vệ dân thường". Tuyên bố cũng kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc tích cực đóng góp cứu trợ để ngăn chặn nguy cơ nạn đói ở các nước trên.
Hồi tháng 2 vừa qua, Liên hợp quốc đã kêu gọi đóng góp 4.9 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại 4 nước trên thoát khỏi nạn đói mà Liên hợp quốc miêu tả là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm của tổ chức này. Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này chỉ mới nhận được 51% con số kêu gọi này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chủ trì một cuộc họp vào tháng 10 tới nhằm tìm ra những rào cản cho công việc cứu trợ tại 4 quốc gia trên, cũng như đưa ra những đề xuất thích hợp.