Nhỏ Bình thường Lớn
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6:

'Nhà báo thời công nghệ, làm ơn hãy đi học truyền thông'

Khi mạng xã hội phát triển, bản chất thông tin được nhìn theo nhiều chiều, nhiều góc, nhà báo, phóng viên phải tác nghiệp nhanh và vất vả hơn. Nó đưa các phóng viên từ già đến trẻ chạy theo một cuộc rượt đuổi đa chiều...
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ: Nhà báo, làm ơn hãy đi học truyền thông
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chia sẻ, mạng xã hội phát triển, các nhà báo tiếp cận nhiều nguồn thông tin, ai xử lý sớm nhất và nhiều chiều nhất, thông tin sẽ nhanh và tốt nhất.

Là một cái tên trong làng báo với những ký sự nhân vật hậu chiến tranh xúc động hay những phỏng vấn sắc sảo thể hiện trong các tập sách rất hot trên thị trường một thời, Hoàng Nguyên Vũ đã không chấp nhận mình "cũ" đi.

Khi báo chí công nghệ số phát triển, điều vốn những nhà báo thế hệ cũ không dễ thích nghi hoặc loay hoay giữa phát triển như vũ bão của thời làm báo công nghệ, anh đã có những chia sẻ rất thú vị với báo Thế giới & Việt Nam về vấn đề này.

"Thế hệ chúng tôi nhiều người bị bỏ lại trong sự phát triển của công nghệ"

Được biết đến là một cây viết ký sự nhân vật xuất sắc với nhiều giải thưởng báo chí và là một trong những cây phỏng vấn sắc sảo hiện nay, anh có thể chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ trong nghề?

Tôi đã có nhiều trải nghiệm làm nghề đặc biệt với nhiều môi trường báo chí khác nhau, trong suốt 20 năm làm nghề của mình, có đến hơn 10 năm tôi gắn bó với báo in.

Ngày đó, trên nền tảng báo in, chúng tôi chỉ đơn thuần áp dụng những thứ đã học tại nhà trường rồi theo yêu cầu của từng toà soạn để xác định cách làm việc. Tôi vào báo Quân đội nhân dân viết mảng hậu chiến tranh, suốt ngày đi và gần như ít khi có mặt tại toà soạn.

Khi chú Nguyễn Như Phong, lúc đó là Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, phụ trách chuyên đề An ninh thế giới, tuyển tôi về, cũng giao mảng phóng sự nhân vật. Đến một môi trường mới, công việc vẫn như cũ.

Cho đến khi tôi vào TP. Hồ Chí Minh định cư, thấy phóng viên trong này rất năng động, chạy theo tin tức, tôi mạnh dạn xin nghỉ khỏi một môi trường tôi nghĩ khá ổn định như An ninh thế giới, để làm một phóng viên điều tra cho báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh.

Thực sự thời điểm năm 2008-2009, người ta xem báo điện tử như là một website của báo giấy, tải lên những cái đã đăng trên báo giấy. Trừ những tờ báo điện tử độc lập không có nền tảng in, họ mới hoạt động độc lập, nhưng tác nghiệp thời điểm đó, căn bản cũng như báo in, dù nhanh hơn một chút.

'Nhà báo thời công nghệ, làm ơn hãy đi học truyền thông'
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cho biết, thế hệ các anh - nhiều người bị bỏ lại trong sự phát triển của công nghệ.

Kỷ nguyên số "thổi" sinh khí mới giúp thông tin bùng nổ ra sao, theo anh?

Công nghệ số tồn tại song song với báo giấy từ những năm đầu 2000 nhưng thế hệ tôi và các đồng nghiệp thời điểm ấy không dễ nắm bắt. Bởi vì đơn giản, chúng tôi chỉ nghĩ: báo điện tử thì nhanh hơn báo giấy, nên ai chạy nhanh, cứ thế chọn báo điện tử để cạnh tranh thông tin.

Nhưng đến khi mạng xã hội phát triển, bản chất thông tin được nhìn theo nhiều chiều, nhiều góc, phóng viên phải tác nghiệp nhanh và vất vả hơn. Nó đưa các phóng viên từ già đến trẻ chạy theo một cuộc rượt đuổi đa chiều. Các nhà báo tiếp cận nhiều nguồn thông tin, ai xử lý sớm nhất và nhiều chiều nhất, thông tin sẽ nhanh và tốt nhất.

Một cuộc cạnh tranh tốc độ giữa các báo với nhau nhiều khi chỉ tính bằng giây. Và chúng tôi đã phải đi vào một cuộc chạy đua không kể tuổi tác hay kinh nghiệm, báo lớn hay báo nhỏ, mà là ai về đích trước.

Trong cuộc chạy đua đó, nhiều anh em viết mảng "đọc chậm" như trước đây (phóng sự, ký sự, phỏng vấn nhân vật có câu chuyện) gần như dừng lại nhiều. Họ thấy mình cũ kỹ và không hợp thời nữa. Rất nhiều anh em phải chuyển nghề khác.

Tuy nhiên, cũng mảng đọc chậm ấy, nhiều báo đã tận dụng tốt để tạo ra những nhóm phóng viên chuyên viết những tuyến bài hoặc bài báo đỉnh cao, lại là những điểm nhấn tốt trong môi trường báo chí thời công nghệ số.

"Một cuộc cạnh tranh tốc độ giữa các báo với nhau nhiều khi chỉ tính bằng giây. Và chúng tôi đã phải đi vào một cuộc chạy đua không kể tuổi tác hay kinh nghiệm, báo lớn hay báo nhỏ, mà là ai về đích trước"

Tôi từng nói với một tờ báo lớn rằng, mảng báo điện tử các anh là đứa trẻ mới tập đi!

Anh đánh giá như thế nào về những đổi thay của người làm báo trong kỷ nguyên số ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?

Suy từ bản thân mình, tôi đến với báo điện tử trễ hơn và để đi tiếp, chắc chắn là phải học. Bởi làm báo điện tử không giống báo in, họ tiếp cận nền tảng nội dung cũng khác. Bắt đầu từ người làm báo chứ không phải người viết báo, phải xác định tờ báo của mình dành cho đối tượng đọc nào, hành vi đọc của họ (thời điểm, thói quen) ra sao. Viết trên nền tảng PC thì khác với trên nền tảng mobile như thế nào để có những sản phẩm nội dung tương xứng... Thế là, gần như phải có một cuộc đào tạo lại, bài bản và hợp lý.

Bởi làm báo thời công nghệ thì công nghệ mới là nền tảng. Tại sao lại chia những điểm nhấn thế này, cách giật title ra sao, thậm chí ngôn ngữ phải gọn, nhanh và chứa đựng thông tin là chủ yếu.

Công nghệ đã “nói lời tạm biệt” với những nhà báo viết kiểu "làm văn làm thơ", mà kiểu này ngự trị khá lâu trong hành trình làm báo của nhiều thế hệ, để chào đón những người làm báo của kỷ nguyên thông tin.

'Nhà báo thời công nghệ, làm ơn hãy đi học truyền thông'
Hoàng Nguyên Vũ quan niệm, người làm báo không có kiến thức truyền thông sẽ rất khó làm báo điện tử một cách chuyên nghiệp.

Công nghệ đã mang đến những tiện ích vượt bậc cho người làm báo. Phải chăng sự phát triển của Internet và các phương tiện kết nối đã tạo ra một thế hệ những người làm báo thời Internet?

Bắt buộc là thế, nhưng cơ bản vẫn đang là chỗ người ta nói chứ không phải người ta hiểu trọn vẹn. Internet để kết nối khác với việc làm báo trên nền tảng Internet. Người làm báo thời internet phải hiểu thể loại báo chí trên nền tảng này khác hẳn và phải nắm rõ các định dạng nội dung.

Ví dụ, cũng nhịp thông tin này, để cập nhật kịp thời, người làm báo phải làm những bài báo ngắn để không trật nhịp. Hoặc những nội dung thông tin mang tính so sánh hay các list nội dung, dẫn dắt đi vào một vấn đề cụ thể, họ cần áp dụng thể loại infographic trên nền tảng mobile ra sao. Tại sao cái này phải làm chùm ảnh, tại sao chỗ kia lại phải là phóng sự tổng hợp của các loại hình: bài viết, phóng sự ảnh, video trong hành trình đa phương tiện?

Trông vậy thôi nhưng không ít toà soạn cứ “lớ ngớ” mãi không biết phải xử lý thế nào trong khi các báo nước ngoài họ đã có bài bản, chuyên nghiệp lắm.

Thời Internet đã thay đổi cách làm báo và thay đổi ngay cả những người làm báo ra sao để luôn kịp thời, theo “gu” của độc giả?

Năm 2015, tôi có về đào tạo làm báo điện tử cho một tờ báo địa phương ở miền Trung, tôi thấy gần như họ không có khái niệm gì về báo chí nền tảng số. Họ vẫn làm dạng báo in phát hành trên web là chính. Mất hơn 1 tháng, tôi đã cùng họ phát triển tờ báo điện tử đúng nghĩa. Lúc đó họ mới "à" ra rằng, đúng ra là phải thế này, là phải thế kia.

Cũng năm đó, tôi nói chuyện về nền tảng nội dung cho bạn đọc và nội dung thương mại cho một tờ báo lớn, cũng đành phải nói với họ rằng, báo in thì các anh là một huyền thoại của làng báo nhưng báo điện tử thì chỉ là một đứa trẻ mới tập đi.

Thời điểm đó, bài trên báo điện tử của họ gần như đọc rất nặng nề và các nền tảng nội dung mới như infographic hay các tuyến bài, họ làm chưa chuẩn. Lại phải nói chuyện thêm, tờ báo này rất chịu đầu tư, bây giờ là một trong những tờ báo điện tử lớn và chuyên nghiệp nhất làng báo.

Vậy anh đã thuyết phục họ như thế nào, cho những thay đổi ban đầu?

Đơn giản là làm báo trên nền tảng công nghệ thì bắt đầu bằng công nghệ. Bạn tận dụng những lợi thế của công nghệ cùng những nền tảng hiển thị (mà sau này cơ bản là mobile), để có những cách quản trị nội dung thích hợp với thói quen đọc. Đơn giản vậy thôi.

"Có một điều mà không nhiều người làm báo chịu hiểu, là làm ơn đi học một khoá căn bản về truyền thông. Trường báo căn bản chỉ dạy bạn cách tác nghiệp và nắm rõ một số thể loại báo chí nhưng truyền thông thì khác. Truyền thông dạy bạn làm ra thông tin đó cho đối tượng nào, xuất hiện trên các nền tảng phải ra sao, có những giai đoạn thông tin nào, cách quản trị nội dung ra sao cho hiệu quả"

Thế mà nhiều toà soạn loay hoay mãi với những khái niệm rất cũ kiểu như "toà soạn hội tụ" hay "phóng viên đa phương tiện". Nên nhớ, không có "phóng viên đa phương tiện" mà có "tác nghiệp đa phương tiện của ê kíp" vì làm gì mà có một phóng viên vừa phỏng vấn vừa chụp ảnh lại vừa quay camera một lúc?

Hay khái niệm "toà soạn hội tụ" cũng vậy, cái này góp phần giết chết khả năng thích ứng với công nghệ làm báo. Anh báo in làm theo kiểu báo in, anh báo điện tử làm theo kiểu điện tử.

May mắn thay, đã có nhiều tập đoàn công nghệ ra đời cung cấp các nền tảng, như VC Corp chẳng hạn, họ đã thay đổi cách làm báo ở Việt Nam thời công nghệ số, chuyên nghiệp hơn.

Các đồng nghiệp làm ơn đi học truyền thông!

Trong kỷ nguyên số, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những “robot làm báo”, “nhà báo Facebook”... vậy người làm báo chân chính cần phải có những tiêu chí gì?

Tại sao bạn không hỏi ngược lại là bản thân nhà báo cũng phải thay đổi vì mạng xã hội ra đời, ai cũng có thể làm báo. Ngay cả tôi, thực sự giờ này người ta chỉ nhớ tôi là một người làm báo trên mạng xã hội, chứ không phải ở một cơ quan báo chí nào.

Tôi không nói mình thành công, nhưng việc nắm bắt loại hình để tạo ra thông tin bằng cách này hay cách khác cho bạn đọc, đảm bảo đúng, khách quan, là cái những nhà báo cần phải suy nghĩ. Nó là kỹ năng, chứ không phải là vấn đề đạo đức để mà chân chính hay không.

Người làm báo thời nay cần phải bản lĩnh ra sao để không bị “sóng Internet” cuốn đi dễ dàng?

Có một điều mà không nhiều người làm báo chịu hiểu, là làm ơn đi học một khoá căn bản về truyền thông. Trường báo căn bản chỉ dạy bạn cách tác nghiệp và nắm rõ một số thể loại báo chí nhưng truyền thông thì khác.

Truyền thông dạy bạn làm ra thông tin đó cho đối tượng nào, xuất hiện trên các nền tảng phải ra sao, có những giai đoạn thông tin nào, cách quản trị nội dung ra sao cho hiệu quả (chọn cách thức thể hiện thông tin như người kể chuyện hay phân tích hay phỏng vấn đa chiều...). Và trên hết, khi bạn mang thông điệp đến cho người đón nhận, có thể hiện được hết giá trị của đối tượng cần bạn truyền thông điệp không.

Và cuối cùng, chỉ số đo lường hiệu quả - KPI của nó là gì?

Đấy, báo điện tử có thể sau này thu phí đọc nhưng nó chỉ là cách thức thứ yếu vì báo càng nhiều bạn đọc, doanh thu quảng cáo càng lớn. Thế nên, người làm báo không có kiến thức truyền thông sẽ rất khó làm báo điện tử một cách chuyên nghiệp. Cũng như phóng viên, nhiều ông đi làm truyền thông cho nơi nọ, cho người kia, nhưng dùng kiến thức báo chí để làm là sai bét cả.

Khi giải quyết khủng hoảng thì anh chọn cách thách thức hoặc phát ngôn khi cái người ta cần lại là im lặng. Trong khi một người có bài bản sẽ định vị được bản chất thông tin đang ở mức nào để xử lý.

Tôi vẫn đùa với mấy bạn bè làm doanh nghiệp, là các anh làm ơn đừng mời mấy ông nhà báo làm truyền thông, khi có khủng hoảng nhiều khi đang từ cấp sản phẩm, các ông đẩy cho một phát lên cấp tập đoàn đấy.

Nên tôi cũng nhắn các đồng nghiệp, nên tìm thêm tài liệu truyền thông của nước ngoài mà đọc. Giờ thầy dạy kinh doanh, dạy làm giàu nhiều khiến xã hội mệt mỏi, thì thầy nhà báo dạy truyền thông cũng nhiều không kém và dạy đâu sai đấy!

Xin cảm ơn anh!

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ sinh năm 1980, tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên Truyền (1998-2002). Anh từng là phóng viên báo Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân, Phụ nữ TPHCM, báo Điện tử Trí thức trẻ (quản lý phía Nam, chuyên trang Soha). Được biết đến là một cây viết ký sự nhân vật xuất sắc với nhiều giải thưởng báo chí và là một trong những cây phỏng vấn sắc sảo hiện nay.

Hiện nay anh phụ trách mảng truyền thông đối ngoại của Khối quảng cáo, Công ty cổ phần VC Corp. Anh được biết đến là một gương mặt rất nổi bật trên mạng xã hội với 2 trang Fanpage lượng theo dõi khủng và một FB cá nhân, và là một người chuyên có những phát ngôn gây tranh cãi và rất hot trên mạng xã hội.

Các tập sách cá nhân được xuất bản: Có tuổi hai mươi thành sóng nước - ký sự hậu chiến 2005, Khúc bi tráng một thời (Ký sự hậu chiến, 2006), Hành trình số phận (Phóng sự thân phận, 2007), Nghệ sĩ bình yên và không bình yên (Chân dung nhân vật, 2007), Thân phận và hào quang (Phỏng vấn nghệ sĩ, 2015), Danh hoạ và tôi (Chân dung hội hoạ, sắp xuất bản).

Học thật, thi thật: 'Học để thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để chụp ra bức ảnh đẹp'
Ứng xử trên mạng
Trung tá Đào Trung Hiếu: Cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Đề thi Văn 'nếu phải ở trong nước sôi...': Đã đến lúc cần tiếp cận cách làm mới
Chọn nghề: Hãy là ‘hành khách’ vui vẻ vì luôn có một ‘nhà ga’ chờ đón
PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Nếu coi bằng cấp là 'giấy thông hành' duy nhất sẽ có nguy cơ cho sự giả dối
TIN LIÊN QUAN

Nguyệt Anh (thực hiện)