Núi Đá Chồng là một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ninh được dân du lịch bụi truyền tai nhau. (Nguồn: VOV) |
Nằm ở độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, đỉnh núi Đá Chồng (xã Bằng Cả, TP. Hạ Long) là điểm đến mê hoặc những du khách yêu thích khám phá bởi độ cao, sự kỳ vĩ, độc đáo của cảnh quan nơi đây.
Núi Đá Chồng có hình dáng độc nhất vô nhị ở Việt Nam với hàng chục phiến đá thiên tạo xếp chồng lên nhau, cheo leo ở độ cao hàng trăm mét, nhô hẳn ra ngoài bìa rừng, có những điểm tiếp xúc giữa hai phiến đá chỉ rộng chừng 1m2 tạo nên sự độc đáo, riêng có. Từ trên cao du khách có thể phóng tầm mắt thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ Yên Lập được bao bọc bởi ngút ngàn rừng thông, với các đảo nổi giữa lòng hồ tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Một điểm độc đáo nữa là núi Đá Chồng gắn liền với những huyền tích, địa danh như: Khe Mừng, Khe Liêu, núi Phượng Hoàng... cũng là ngọn núi thiêng của người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả.
Theo các cụ cao niên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người Dao Thanh Y nhiều đời nơi này truyền lại câu chuyện: Thuở xa xưa có vị thiên tướng đưa quân qua vùng này, trải qua một quãng đường rất dài và không tìm được nước uống, đang mong mỏi thì tới đây vị thần bắt gặp khe nước trong vắt, ông mừng rỡ lệnh dừng quân nhưng phần vì quân đông, khe nước lại nhỏ và dài, ông dùng tay bới rộng vào sâu khe nước cho quân lính đủ nước uống. Mải việc, nước suối dâng cao ướt vạt áo, ông cởi áo giáp, vắt áo và tìm chỗ phơi; lấy cây sào để gác qua hai đỉnh núi (là đá Dải và Đá Chồng). Đỉnh Đá Chồng thấp hơn đỉnh đá Dải nên ông nhặt những tảng đá đặt lên đỉnh núi kê cho hai bên bằng nhau rồi gác sào phơi áo.
Không chỉ có mỏm đá kỳ thú, đỉnh núi còn là một trong những điểm cao nhất của dãy núi Phượng Hoàng kéo dài từ TP. Uông Bí qua TX. Quảng Yên, TP. Hạ Long nên có cảnh quan rừng núi sông hồ rất ấn tượng. (Nguồn: VOV) |
Người dân địa phương sau này gọi khe đó là Khe Mừng, lập miếu thờ ở chân núi khu vực đó để thờ Ông (hiện không còn phế tích), núi nơi ông gác sào phơi áo gọi là núi Chồng (núi Đá Chồng).
Để ngắm được toàn cảnh núi Đá Chồng đẹp nhất, du khách có thể đi đến xã Bằng Cả rồi đi thuyền qua lòng hồ, dừng chân tại Khe Mừng sau đó đi bộ dưới tán rừng đến đỉnh núi Đá Chồng. Với những bạn trẻ ưa mạo hiểm và chinh phục độ cao thì đi thẳng theo chỉ dẫn của GPS, du khách sẽ vượt qua dãy đá Sư Tử đến đỉnh núi Chồng.
Vào thời điểm mưa xuống, nắng lên thường xuất hiện cả biển mây lưng chừng núi, ôm trọn toàn bộ cánh rừng thông ngút ngàn bao bọc lòng hồ Yên Lập như chốn thần tiên. Nằm ở độ cao trên 400m so với mực nước biển, vẻ đẹp độc đáo riêng có của đỉnh núi Đá Chồng không chỉ là điểm đến hấp dẫn của các thủ phượt ưa thích khám phá, độ cao, không ngại nguy hiểm, mà còn là điểm lý tưởng cho ra đời những bức ảnh tuyệt vời... Điều này chắc chắn sẽ làm du khách cảm thấy rất hài lòng sau hàng giờ leo núi chinh phục Đá Chồng rồi tiếp tục khám phá các cảnh điểm, đèo thác của núi rừng hùng vĩ.
Điểm đến này đã được thành phố đưa vào nghiên cứu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác, nhằm mở rộng không gian du lịch tại khu vực đồi núi phía Bắc của Hạ Long, gắn với trải nghiệm các di tích lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao nơi đây.
Để tham quan núi Đá Chồng, du khách có thể đi đến trung tâm phường Hoành Bồ, rồi đi tiếp theo QL279 khoảng 19km đến Khe Liêu, xã Bằng Cả và thuê thuyền trên lòng hồ đi khoảng 45 phút, đến Khe Mừng, sau đó đi bộ theo chỉ dẫn khoảng 1,5 giờ đồng hồ là đến.
Du khách có thể kết hợp dọc tuyến từ trung tâm phường Hoành Bồ qua khu vực trang trại ổi, táo, mía của các xã Sơn Dương, Dân Chủ (Tp. Hạ Long), đồng thời tham quan thiên đường hoa Quảng La và Khu Bảo tồn bản văn hoá người Dao Thanh Y Bằng Cả.
Mỏm đá "sống ảo" ở độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, từ đây du khách có thể ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp xung quanh. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh) |
Điều đặc biệt lưu ý khi tham quan, khám phá núi Đá Chồng là du khách phải bảo đảm an toàn cho bản thân như: Lựa chọn phương tiện (thuyền đủ điều kiện được phép đi trên lòng hồ) trang bị đầy đủ phao cứu sinh và mặc áo phao; chủ động chuẩn bị đồ ăn, nước uống vì trên tuyến đi không có hàng quán. Khu rừng thông dưới chân núi rất dễ cháy, nguy hiểm đến tính mạng nên đặc biệt phải cẩn thận củi lửa, bảo vệ môi trường.
Nhà chức trách địa phương cho biết tốt nhất là phải có người bản địa dẫn đường và tuyệt đối không nên trèo lên đỉnh các mỏm đá. Địa hình nguy hiểm, dốc và độ cheo leo và trơn trượt của các mỏm đá có thể làm du khách trượt chân, rủi ro tính mạng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm...