Dù không muốn, Chủ tịch Roman Abramovich vẫn phải đưa ra quyết định “cực chẳng đã” là sa thải HLV Jose Mourinho. Tỷ phú người Nga không muốn nhìn con tàu Chelsea cứ chìm mãi, trong khi “Người đặc biệt” không còn kiểm soát được các cầu thủ.
Hệ quả tất yếu
Cuộc sụp đổ của The Blues diễn ra quá khủng khiếp, không thể chấp nhận và cũng không thể kéo dài thêm được nữa. Một nguồn tin nội bộ đã cho kênh thể thao ESPN biết: “gần như toàn đội Chelsea không còn nghe lời ông Muorinho nữa”. Ngay sau trận thua Leicester City, HLV Mourinho đã thừa nhận bị các cầu thủ “phản bội”.
Các cầu thủ Chelsea đã thi đấu rất hay ngay sau khi chia tay HLV Mourinho. (Nguồn: Chelsea FC) |
Đó là những lời cay đắng nhất của “Người đặc biệt” và đánh dấu thất bại đau đớn nhất của ông ở Chelsea. Trong bóng đá hiện đại, quyền lực của cầu thủ rất lớn. Họ có thể quyết định trực tiếp tới vận mệnh của CLB cũng như HLV. Đơn giản, khi niềm tin của các cầu thủ giảm sút, Mourinho đã mất tất cả. Và đấy chính là cú hích quyết định để Ban lãnh đạo (BLĐ) Chelsea chấm dứt hợp đồng với Mourinho. HLV trưởng mà không còn được tập thể cầu thủ chấp nhận, thì đó là thảm họa thực sự rồi.
Nhiều thành viên thi đấu của Chelsea tỏ ra rất bức xúc với cách Mourinho đối xử với Fabregas và Costa. F4 sa sút quá rõ rệt mà Mourinho vẫn trọng dụng suốt thời gian dài. Họ càng bất mãn hơn khi Costa thẳng thừng ra mặt giận dỗi khi quăng chiếc áo tập về phía Mourinho mà không hề bị trừng phạt, trong khi Costa, như mọi người đều thấy, ghi bàn quá ít ở mùa này, nhưng lại luôn gây gổ trên sân.
Bởi vậy, cuộc ra đi lần này của Mourinho có phần giống với cuộc chia tay tại Real Madrid năm 2013. Khi đó, “Người đặc biệt” cũng có mâu thuẫn với một số cầu thủ, đặc biệt là thủ quân Iker Casillas. Tại Chelsea, Mourinho không chỉ gây bất hòa với các học trò, nhân viên y tế mà còn với cả lãnh đạo đội bóng. Ông mắng nhiếc rồi đuổi việc nữ bác sỹ Eva Carneiro, cất một loạt trụ cột lên ghế dự bị một cách khó hiểu và thậm chí còn cãi nhau với một thành viên Ban lãnh đạo Chelsea sau trận thua 1-2 trước West Ham hôm 24/10 với lời lẽ không mấy lịch sự: “Trả đủ tiền, tôi sẽ đi”.
Những rắc rối mà “Người đặc biệt” gây ra với việc liên tiếp chỉ trích giới truyền thông, tạo scandal với bác sỹ Carneiro, một số cầu thủ trụ cột và lãnh đạo CLB… đã khiến cho không ít người nghi ngờ rằng Mourinho cố ý “phá bĩnh” để được hưởng tiền “khủng” trong trường hợp Chelsea phá vỡ hợp đồng.
Còn Giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo thì cho biết, việc sa thải Mourinho là một quyết định khó khăn nhưng không thể tránh của BLĐ Chelsea: “Rõ ràng là có sự bất hòa giữa Mourinho và các cầu thủ. Vì thế chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải ra quyết định. Bất cứ người hâm mộ nào quan tâm đến đội bóng đều thấy rằng, Chelsea đang có vấn đề, và dĩ nhiên chúng tôi phải làm điều gì đó.”
Chờ “Phù thủy Hà Lan”
Chelsea đã chọn cách “hy sinh” Mourinho vào tối 17/12, dù biết rõ hành động này khó có thể nhanh chóng mang lại sự ổn định, cũng như giúp The Blues trở lại đường đua. Và cuộc tiếp đón Sunderland trên sân nhà vào tối 19/12 vừa qua có thể sẽ là bước ngoặt để Chelsea bắt đầu cuộc sống thời kỳ “hậu Mourinho”.
Và thật vui, sau khi Mourinho ra đi, dưới sự dẫn dắt của trợ lý HLV Steve Holland, các cầu thủ Chelsea với niềm tin “thay tướng đổi vận”, đã chơi một trận đấu trên cả tuyệt vời để đánh bại Sundeland 3-1 tại sân Stamford Bridge. Dù không ghi bàn, nhưng “ngựa chứng” Costa đã chơi năng nổ và “nguội tính” hẳn, Ivanovic hăng hái tham gia tấn công như vẫn thường thấy và ghi bàn mở tỷ số, Pedro tự tin hơn hẳn và cũng nổ súng, còn Oscar trở lại cách chơi sáng tạo và đóng góp một bàn bằng quả đá penalty…
Vừa chính thức được bổ nhiệm trước giờ bóng lăn, HLV Guus Hiddink đã có mặt trên khán đài, chứng kiến đội bóng mới đánh bại Sunderland đêm 19/12 và chiến thắng 3-1 như một thông điệp cho thấy, nhiệm vụ của chiến lược gia Hà Lan từ đây đến cuối mùa giải không quá khó như người ta đồn đoán.
Hiddink chúc mừng các cầu thủ Chelsea sau chiến thắng trước Sunderland. (Nguồn: Chelsea FC) |
Đây là lần thứ 2 Roman Abramovich mời HLV Guus Hiddink về để “đổi vận”. “Phù thủy Hà Lan” đã từng làm rất tốt công việc của “người đóng thế” tại sân Stamford Bridge hồi năm 2009. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về những gì Hiddink làm được ở Chelsea lúc đó là xốc lại tinh thần cho cả tập thể rệu rã sau giai đoạn khó khăn cùng HLV Filipe Scolari.
Trong quá khứ, những lần “trảm” tướng của tỷ phú người Nga ít nhiều đều đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện tại của Chelsea (phong độ và đã chìm khá sâu ở bảng xếp hạng), không dễ để HLV tạm quyền tái lập chiến tích kể trên. Nhưng, những người yêu mến Chelsea có quyền tin rằng, đội bóng thành London sẽ sớm tìm lại được sức mạnh vốn có để tránh xa vùng nguy hiểm và có thể mơ về một suất dự Cúp châu Âu mùa giải tới, dù điều đó là rất khó khăn.