Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng bên ngoài ngôi nhà số 10 phố Downing. (Nguồn: CNN) |
Là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, tân Thủ tướng Boris Johnson được truyền thông đánh giá là “Donald Trump của nước Anh” về cả ngoại hình lẫn phong cách lãnh đạo. Việc người đứng đầu Chính phủ Anh theo đuổi chiến lược “Nước Anh toàn cầu” nhằm củng cố vị thế của London cũng khá giống với chính sách “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump.
Được đánh giá là “một nhà ngoại giao với những lời nói không hề ngoại giao”, tân Thủ tướng Boris Johnson đã thể hiện phong cách lãnh đạo khác biệt ngay trong những ngày đầu. Trong nỗ lực sẵn sàng đương đầu thách thức, nhà lãnh đạo 55 tuổi đã “thay máu” 18/31 thành viên nội các, với kỳ vọng rằng cuộc cải tổ sâu rộng này sẽ mang lại lợi ích cho nước Anh, kể cả khi London và Brussels không đạt được thỏa thuận.
Trong bối cảnh thời hạn đưa nước Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu đang ngày một cận kề, vị Thủ tướng thứ 23 của London cam kết sẽ đưa ra cách “tiếp cận mới” với tiến trình Brexit, vốn đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Không chỉ vậy, chủ nhân số 10 phố Downing vẫn muốn thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn những “điều khoản tốt nhất” trong thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) mà bà May đã đạt được, bao gồm quyền của công dân EU tại Anh hay mở rộng các hiệp định hợp tác quốc phòng và an ninh. Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, ông Johnson khẳng định London đã chuẩn bị đầy đủ cho kết quả đó, bất chấp cảnh báo của nhiều chuyên gia cho rằng sự “chia rẽ hỗn loạn” như vậy sẽ tổn hại lớn đối với nền kinh tế cả hai bên.
Với quyết tâm đoàn kết nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc do Brexit bế tắc, tân Thủ tướng Boris Johnson đã ngay lập tức lên đường công du tới các thành viên của Liên hiệp Vương quốc Anh. Chọn Scotland làm điểm dừng chân đầu tiên, ông Johnson dường như đang cố gắng “xoa dịu” thành viên có quan điểm quyết liệt và động lực rõ rệt nhất trong những vấn đề liên quan tới Brexit này.
Dù vấp phải không ít sự chỉ trích, song tân Thủ tướng Anh vẫn tiếp tục hành trình tới xứ Wales và Bắc Ireland, nhằm đạt được sự ủng hộ đối với Brexit và chứng minh cảnh báo về sự tan rã của Liên hiệp Vương quốc Anh là sai lầm. Trong một động thái trấn an các công dân xứ Wales, nơi nông nghiệp giữ vai trò quan trọng, ông Boris Johnson hứa hẹn rằng việc rời EU mà không có thoả thuận sẽ là “cơ hội lịch sử” để ngành nông nghiệp Anh thoát khỏi các quy chuẩn mang tính áp đặt từ Brussels, giúp cho người nông dân được hưởng lợi.
Thách thức đối nội chưa qua, khó khăn đối ngoại đã đến với tân Thủ tướng Johnson. Trong thời gian tới, chính trị gia 55 tuổi được cho là phải đưa ra chính sách đối ngoại liên quan đến nhiều vấn đề “nóng” của thế giới, trong đó có căng thẳng Vùng Vịnh, vai trò của Anh với thỏa thuận hạt nhân Iran, cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau khi tuyên bố loại bỏ hãng viễn thông Huawei khỏi mạng 5G của Anh,...
Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, tờ Financial Times nhận định, hiếm có một Thủ tướng thời bình nào của London lại phải đối mặt với nhiều thách thức đang chờ đợi như ông Johnson. Các bước đi tiếp theo của tân Thủ tướng Anh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới số phận những thế hệ tương lai của Vương quốc Anh, cũng như “sức khỏe” hiện tại của nền kinh tế châu Âu.