Báo cáo do Tổ chức phi lợi nhuận Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) thực hiện và công bố đã cung cấp một cách nhìn tổng quan về những thách thức liên quan đến tình trạng hối lộ mà các doanh nghiệp trong 3 Khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt, cũng như những biện pháp đang được áp dụng để giảm thiểu những rủi ro này.
Nhiều doanh nghiệp chủ động chi “phí bôi trơn”
Khảo sát của TT cho thấy, chỉ 1/3 số doanh nghiệp tham gia phỏng vấn lựa chọn rủi ro tham nhũng là một trong ba rủi ro lớn nhất. Trong khi đó rủi ro pháp lý, kinh tế vĩ mô và hợp đồng đứng hàng đầu trong danh sách các rủi ro được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. 2/3 số doanh nghiệp còn lại đang hoạt động trong 3 khu công nghệ cao quốc gia cho rằng, tham nhũng là một vấn đề quan trọng nhưng không nằm trong 3 mối quan ngại hàng đầu của họ.
Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng, phần lớn doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm đầu ra dành cho xuất khẩu nên ít liên quan đến các giao dịch có nhiều rủi ro tham nhũng ở thị trường Việt Nam. Chỉ có 7 công ty tham gia phỏng vấn (chiếm 13%) có giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp hoặc cơ quan Nhà nước, các đơn vị còn lại (87%) bán sản phẩm cho khu vực tư nhân hoặc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Toàn cảnh Lễ công bố. (Ảnh: Vi Vi) |
Cũng theo Báo cáo, có đến 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý với nhận định rằng “các công chức Nhà nước thường sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp”. Đáng chú ý, theo Báo cáo, các khoản chi phí không chính thức này không phải lúc nào cũng hữu ích. “Chỉ 42% số người được phỏng vấn cho rằng, công ty sẽ được cung cấp dịch vụ công như mong muốn nếu chấp nhận chi trả khoản phí này”, Báo cáo dẫn chứng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao trải nghiệm tình trạng tham nhũng trong thủ tục dịch vụ công của cơ quan Nhà nước thấp hơn so với các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài. Tuy nhiên, trong 48% doanh nghiệp không bị yêu cầu chi tiền lót tay cho cán bộ Nhà nước thì vẫn có một số công ty trong nước chủ động chi các khoản “phí bôi trơn” nhằm giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tránh bị yêu cầu bổ sung tài liệu hoặc để giảm thuế.
“Trong số các cơ quan Nhà nước, cơ quan thuế và hải quan được doanh nghiệp đề cập nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt là 35% và 32% khi phàn nàn về việc phải chi trả các khoản phí không chính thức. Kiểm tra tình trạng tuân thủ pháp luật về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh và bảo vệ môi trường là các dịch vụ công mà doanh nghiệp đôi khi bị đòi hỏi chi phí không chính thức bởi các thanh tra Nhà nước”, Báo cáo cho hay.
Trong các hoạt động mà các công ty trong nước thường hay áp dụng, tặng quà và chiêu đãi vẫn là hai hình thức “bôi trơn” được sử dụng nhiều nhất. Gần 45% doanh nghiệp tham gia phỏng vấn cho rằng, cán bộ Nhà nước kỳ vọng các đơn vị này sẽ tặng quà hoặc dịch vụ giải trí trong một số dịp lễ Tết.
Tăng liêm chính giúp tăng sức cạnh tranh
Kết quả khảo sát cho thấy, các công ty hoạt động trong môi trường kinh doanh liêm chính có thể phòng tránh hoặc hạn chế tham gia vào các hành vi hối lộ. Trên thực tế, tất cả các công ty được phỏng vấn đều công nhận môi trường kinh doanh liêm chính tại 3 Khu công nghệ cũng như nỗ lực của các Ban quản lý trong việc đưa ra các sáng kiến và hành động nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hỗ trợ các công ty đối phó với tình trạng tham nhũng.
Ngoài ra, sự khác biệt về quy mô và nguồn gốc sở hữu của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến cách thức giải quyết rủi ro tham nhũng. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường có chính sách tuân thủ và đạo đức kinh doanh chặt chẽ hơn vì phần lớn những chính sách này được xây dựng, triển khai và giám sát bởi công ty mẹ ở nước ngoài.
Trong khi đó, ngoại trừ một số tập đoàn lớn trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị tụt hậu. Một số doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc tham gia vào thị trường toàn cầu nhưng lại thiếu nguồn lực và kỹ năng để xây dựng hệ thống quản lý và tuân thủ nội bộ. Nhiều doanh nghiệp còn chưa thấy sự cần thiết phải áp dụng một hệ thống tuân thủ chặt chẽ trong công việc hàng ngày nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Trong số các cơ quan Nhà nước, cơ quan thuế và hải quan được doanh nghiệp đề cập nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt là 35% và 32% khi phàn nàn về việc phải chi trả các khoản phí không chính thức. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Báo cáo cũng đề xuất những nỗ lực phối hợp của nhiều bên liên quan để tiếp tục xây dựng văn hóa liêm chính. Về phía Ban quản lý, Báo cáo đề xuất cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng cường các sáng kiến thúc đẩy tính liêm chính.
Về phía doanh nghiệp, cần nỗ lực để xây dựng và triển khai các hệ thống tuân thủ và kiểm soát nội bô. Về phía cơ quan Nhà nước, cần thay đổi tư duy, thái độ của cán bộ công chức từ lạm dụng quyền lực Nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ các sáng kiến liêm chính. Ngoài ra, các Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng có vai trò trong việc thúc đẩy liêm chính kinh doanh thông qua việc phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực để thúc đẩy một môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch.
Bình luận về Báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay: “Kết quả thu được khá khả quan, với đa số các doanh nghiệp được phỏng vấn đã triển khai các chiến lược chống tham nhũng, trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác đang trong quá trình triển khai hoặc xem xét triển khai nếu được hỗ trợ. Hy vọng các doanh nghiệp khác sẽ hưởng ứng, cùng làm theo và ngày càng nhận thức rằng chương trình chống tham nhũng thực sự sẽ giúp họ gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua việc giảm thiểu chi phí, thúc đẩy tăng trưởng công bằng và bền vững”.