📞

'Chị Thanh Tâm' ở ĐSQ Việt Nam tại Thụy Điển hỗ trợ bà con sở tại chống dịch Covid-19

11:02 | 10/04/2020
TGVN. Các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển luôn cảm thấy hạnh phúc khi được trong vai trò "chị Thanh Tâm”, hướng dẫn kịp thời, động viên và là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người Việt ở sở tại trong trận chiến chống Covid-19.
Nhóm chuyên trách (Adhoc) của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển nhanh chóng được thành lập nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động để kịp hỗ trợ, xử lý các trường hợp bảo hộ công dân.

Kịp thời triển khai nhiều biện pháp chống dịch

Dịch Covid-19 gõ cửa Thụy Điển đầu tiên vào ngày 31/1, khi Cơ quan y tế cộng đồng nước này thông báo 1 trường hợp xét nghiệm dương tính với virut SARS-CoV-2 trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng phải hơn 1 tháng sau, thông tin về dịch Covid-19 mới nóng dần lên từng ngày trên các phương tiện truyền thông và trở thành một chủ đề được cả xã hội Thụy Điển quan tâm. Tính đến ngày 9/4, tại Thụy Điển có 9.198 ca dương tính với Covid-19 và 803 người tử vong (tỷ lệ tử vong là 8,7%) và con số này sẽ còn tăng lên tới đỉnh dịch sau vài ba tuần tới.

Dư luận các nước trong khu vực bày tỏ sự lo ngại về cách tiếp cận của Thuỵ Điển trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, cho rằng các biện pháp chủ yếu mang tính khuyến cáo khi không hạn chế tiếp xúc xã hội khi các hoạt động kinh doanh, buôn bán, vui chơi, giải trí vẫn diễn ra như bình thường. Tuy nhiên, đa số người Thụy Điển vẫn bày tỏ tin tưởng vào chính sách, biện pháp đối phó với dịch bệnh của Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của họ đã thực hiện trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde, các chính sách, biện pháp đối phó với dịch bệnh Covid-19 đã được Chính phủ và các cơ quan chuyên môn nước này tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng tới "từng centimet".

Tuy nhiên, trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 trong tuần đầu tháng 4 (bình quân mỗi ngày có 443 ca nhiễm mới và 54 người tử vong, cao điểm có ngày lên tới 705 ca nhiễm mới và 112 người tử vong), cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thụy Điển đã liên tục gọi điện tới Đại sứ quán bày tỏ lo lắng, hoang mang về nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân và gia đình, thậm chí một số bà con còn mong muốn về nước để tránh dịch.

Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo sát sao từ trong nước, Đại sứ quán đã đặt công tác bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian này với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho bà con, từ đó khẩn trương xây dựng các phương án, biện pháp để kịp thời hỗ trợ công dân trong các tình huống khẩn cấp. Qua trang web của Đại sứ quán và các hội đoàn người Việt Nam tại Thụy Điển, Đại sứ quán đã kịp thời thông tin chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam, các thủ tục nhập cảnh Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có điểm nóng EU để bà con truy cập, kịp thời nắm bắt thông tin.

Nhóm chuyên trách (Adhoc) nhanh chóng được thành lập do Đại sứ Phan Đăng Đương trực tiếp chỉ đạo với sự tham gia của tất cả cán bộ làm công tác lãnh sự và cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động để kịp thời xử lý các trường hợp bảo hộ công dân. Bên cạnh đó, đường dây nóng được thiết lập, hoạt động 24/7 để phục vụ công tác bảo hộ công dân, kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho bà con cộng đồng và người Việt Nam sang du lịch, thăm thân bị "mắc kẹt" tại Thụy Điển. Thông qua đường dây nóng này, Đại sứ quán đã giải tỏa được những băn khoăn, lo lắng của bà con, nhất là khi họ cảm thấy hoang mang tại thời điểm tình hình bệnh dịch có dấu hiệu khó kiểm soát hiện nay tại Thụy Điển.

Những ngày gần đây, nhóm Adhoc liên tục nhận các cuộc điện thoại khắp nơi gọi về, không quản ngày đêm, anh chị em Đại sứ quán luôn kiên nhẫn trả lời tất cả các cuộc điện thoại, động viên và ổn định tinh thần công dân. Dù vất vả nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi được trong vai trò "chị Thanh Tâm” để hướng dẫn và hỗ trợ bà con ở sở tại khi họ thực sự bối rối, hoang mang không biết nên ở lại hay trở về quê hương.

Trên trang web, Đại sứ quán đã kịp thời thông tin chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam, các thủ tục nhập cảnh Việt Nam để bà con truy cập, kịp thời nắm bắt thông tin.

Chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người Việt

Để có thể bám trụ lâu dài và làm tốt công tác bảo hộ công dân, Đại sứ quán xác định mỗi cán bộ, nhân viên phải là một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch để đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cơ quan. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã xây dựng các phương án, kịch bản để đối phó với tất cả các tình huống có thể xẩy ra, nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng dịch tại cơ quan và gia đình.

Trong hành trang của Đại sứ mới sang nhận nhiệm sở đầu tháng 3/2020, “quà đặc biệt” dành cho cán bộ, nhân viên của Đại sứ Phan Đăng Đương là những túi khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn để kịp thời phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

Vốn có truyền thống “cẩn thận, lo xa” của người Việt, ngay từ khi nước bạn thông báo có trường hợp dương tính thứ 2, Đại sứ quán đã chủ động trang bị các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch như Vitamin C, Omega, nước sát khuẩn, khử trùng, găng tay; tổ chức khử trùng hàng ngày khu làm việc của bộ phận tiếp khách lãnh sự.

Sau khi Thụy Điển tuyên bố đã có sự lây nhiễm cộng đồng với số ca nhiễm lên tới 687 (ngày 12/3), Đại sứ quán đã quán triệt toàn thể bộ cán bộ, nhân viên hạn chế ra ngoài, không sử dụng phương tiện công cộng, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết (hoạt động đối ngoại, bảo hộ công dân, mua sắm thực phẩm thiết yếu); phải đeo khẩu trang khi làm việc tại trụ sở, đi siêu thị mua thực phẩm...

Không giống như ở Việt Nam hay ở các nước châu Á khác, việc đeo khẩu trang là vấn đề khá “nhạy cảm” tại Thụy Điển vì người dân không có thói quen đeo khẩu trang, với họ khẩu trang chỉ dùng cho những người bị bệnh truyền nhiễm và nhiều người cho rằng, đeo khẩu trang không giúp người khỏe mạnh chống lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, tất cả cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều sử dụng khẩu trang tại công sở, hoặc ra ngoài khi có việc cần thiết để bảo vệ chính mình.

Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 tại Thụy Điển sẽ còn tiếp tục có diễn biến phức tạp và khó lường. Thủ tướng nước bạn đã nhận định, tình hình dịch bệnh tại Thụy Điển có thể sẽ kéo dài hàng tháng, chứ không phải hàng tuần và con số tử vong có thể lên tới hàng nghìn người. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai công tác đối ngoại để thúc đẩy quan hệ với nước bạn, toàn thể anh chị em cán bộ, nhân viên Đại sứ quán luôn đoàn kết, gắn bó, sẵn sàng bám trụ tại địa bàn, đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân để làm chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển.