📞

Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và góc nhìn ‘kỹ trị’ trong ngoại giao kinh tế

Minh Hòa 20:00 | 12/02/2023
Ngoại giao kinh tế và những điểm mới trong Chỉ thị 15 của Ban Bí thư từ góc nhìn của ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển (PLD).
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển. (Ảnh: NVCC)

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của ngoại giao kinh tế đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay?

Ngoại giao đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước và đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn, góp phần xây dựng đất nước phát triển như hiện nay.

Sau Đại hội IV, chúng ta có chỉ thị về ngoại giao kinh tế và hướng đến mục tiêu vươn ra thế giới. Với xuất phát điểm từ “con số 0”, từng bước một, Việt Nam đã tìm ra thị trường mới cho các doanh nghiệp còn non trẻ, trình độ thấp, quan hệ quốc tế gần như chưa có gì…

Chúng ta dỡ bỏ được lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ vào năm 1995 và từng bước gia nhập các tổ chức như ASEAN, APEC rồi WTO…

Đến nay, chúng ta đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mở với thị trường toàn cầu.

Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài, từ thái độ e dè đến thăm dò và bây giờ là mong muốn được đầu tư sâu rộng ở Việt Nam.

Đấy chính là những thành công của ngoại giao kinh tế. Tôi đánh giá rất cao nền ngoại giao Việt Nam, các nhà ngoại giao Việt Nam, trong thời gian vừa qua cho đến thời điểm này.

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Ông nhận định gì về tác động của Chỉ thị đối với công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế hiện nay?

Thế giới vận động không ngừng và luôn tiềm ẩn những biến động gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng truyền thống hay còn gọi là nền kinh tế truyền thống do đại dịch Covid-19 vừa qua hay xung đột Nga-Ukraine với hậu quả là những bất ổn tác động đến cả thế giới… Nền kinh tế Việt Nam phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nên đối mặt với việc bảo hộ kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi chúng ta đang phát triển rất nhanh nhưng chưa bền vững.

Lý giải cho sự chưa bền vững là bởi Việt Nam chưa tự chủ trong xuất khẩu, mà dựa chủ yếu vào nguồn FDI, chúng ta chỉ là người gia công. Chẳng hạn, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của chúng ta là dệt may, da giày… thì lại phụ thuộc phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Về nông-lâm-thủy sản, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu do chất lượng chưa tốt, chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng mỗi lần phía bạn đóng biên là doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó. Hiện doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng chinh phục những thị trường đa dạng, khó tính hơn, như Australia, Nhật Bản, Mỹ… nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa thể nói trước điều gì.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần kêu gọi đầu tư nước ngoài bởi ngay cả những tập đoàn lớn cũng đang bị “tắc dòng” tài chính và trái phiếu, cổ phiếu… khiến sản xuất gặp khó khăn và kéo theo xuất khẩu giảm sút. Chỉ thị 15 về ngoại giao phát triển kinh tế ra đời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết và rất đúng thời điểm.

Chỉ thị 15 nêu rõ “Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế”. Theo ông, người dân và doanh nghiệp cần được trang bị hành trang gì để tự bảo vệ và chủ động trước các vấn đề có thể phát sinh?

Doanh nghiệp và người dân là chủ thể của sự phát triển thì ngoại giao nhân dân cần hỗ trợ để “chắp cánh” cho doanh nghiệp vươn “từ suối, từ sông rồi ra biển lớn”.

Do vậy, doanh nghiệp, người dân cần đồng hành với ngành ngoại giao, còn ngành ngoại giao phải lấy người dân và doanh nghiệp làm “gốc”.

Ngành ngoại giao tạo quan hệ, còn doanh nghiệp và người dân phải biết rõ mình tìm kiếm thị trường như thế nào và hai bên cần có sự trao đổi hai chiều – hay kết hợp “hòa làm một” để đạt đến mục tiêu một cách nhanh nhất.

Cần có những giải pháp để trả lời cho câu hỏi: phải kết hợp nào để cùng đi lên? Sự phối hợp hài hòa giữa ngoại giao và doanh nghiệp đều dẫn đến mục đích quan trọng nhất là sự phát triển của đất nước. Kinh tế đất nước mạnh thì ngoại giao chúng ta mới mạnh.

Không có nền ngoại giao nào mạnh dành cho nước yếu và ngược lại. Vì vậy, nếu đất nước phát triển, kinh tế phát triển, dân giàu, nước mạnh thì ngoại giao cũng có vị thế cao hơn trên trường quốc tế.

Để “tăng cường theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế”, theo ông, các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị như thế nào để chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ nói trên và đạt hiệu quả mong muốn?

Các nhà ngoại giao đa số không phải là những nhà kinh tế chuyên nghiệp. Vì thế, Chỉ thị 15 giao cho ngành ngoại giao nhiệm vụ phát triển ngoại giao kinh tế là trọng trách lớn.

Nhiệm vụ lớn thì cần có bộ phận chuyên trách để điều hành, kể từ các cơ quan của Bộ Ngoại giao ở trong nước đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì mới thực hiện tốt được. Bộ phận chuyên trách này cần có thành viên là các chuyên gia có trình độ cao về luật pháp quốc tế, về thị trường và về kinh tế…

Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp trong nước có thể đồng hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế thì việc phổ biến, phổ cập kiến thức về thị trường quốc tế thông qua các hội thảo, giao lưu… cần được tổ chức thường xuyên hơn nữa.

Làm kinh tế cần phải “kỹ trị” nên kiến thức chuyên môn là rất cần thiết cho không chỉ doanh nghiệp trong nước mà đặc biệt cả với các cán bộ ta ở các Cơ quan đại diện. Các nước phát triển đều đã đi theo con đường kỹ trị từ lâu và chúng ta đang thiếu điều này. Để giải quyết vấn đề kinh tế hiện nay, tôi xin nhấn mạnh, “chúng ta cần đẩy mạnh kỹ trị”.

(thực hiện)