📞

Chỉ tiêu vào chung kết SEA Games của bóng đá Việt Nam là cao hay thấp?

09:12 | 04/01/2017
Nếu nhìn vào năng lực thực của bóng đá Việt Nam so với Thái Lan trong nhiều năm trở lại đây, chỉ tiêu vào chung kết không phải là thấp. 

Tuy nhiên, xét trên bình diện đội tuyển đã thay HLV từ đầu năm ngoái mà vẫn không chắc thắng Thái Lan thì chỉ tiêu đấy lại quá thấp.

Cách đây 1 năm, bóng đá Việt Nam từng rất tự tin đặt chỉ tiêu HCV SEA Games lần thứ 29 năm 2017. Người điều hành nền bóng đá tự tin đến mức mà Phó chủ tịch (PCT) VFF Đoàn Nguyên Đức tuyên bố nếu đội không vô địch SEA Games, ông Đức sẽ là người từ chức đầu tiên.

Tuy nhiên, đến sau giải U21 quốc tế vừa rồi, và sau AFF Cup 2016, sự tự tin đó mất đi, khi người ta chứng kiến những cầu thủ được kỳ vọng nhất là Công Phượng vất vả hoà nhập với môi trường bóng đá đỉnh cao, Tuấn Anh vật lộn với chấn thương, rồi chứng kiến tiếp U21 Thái Lan dù chưa có thành phần mạnh nhất vẫn thắng cả U21 Việt Nam và U21 HA Gia Lai, vốn được quảng cáo là giàu tài năng trẻ trong đội tuổi U22 nhất nước.

Với lực lượng hiện có, không ái dám chắc U22 Việt Nam sẽ vượt Thái Lan tại SEA Games năm 2017. (Ảnh: Trọng Vũ)

Thật ra thì bóng đá Thái Lan trên tầm bóng đá Việt Nam nhiều năm qua. Các đại diện của bóng đá Thái Lan ở các giải đấu chính thức tầm khu vực cũng được đánh giá lên trên tầm các đại diện của bóng đá Việt Nam một bậc.

Chỉ có điều là ở thời điểm đầu năm ngoái, khi tìm cái cớ để sa thải HLV Miura, một số quan chức ngồi ghế lãnh đạo VFF quá cảm tính khi đơn giản cho rằng đặt trường hợp thay HLV Miura bằng một HLV khác, chịu khó “nhét” nhiều cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai vào đội hình hơn, thì chúng ta coi nghiễm nhiên sẽ trên cơ người Thái, dựa vào việc lứa U19 của Công Phượng từng thắng U19 Thái Lan năm 2013.

Đấy là hậu quả cho việc thiếu luận chứng khoa học từ một vài quan chức VFF khi đánh giá một lứa cầu thủ trẻ, đánh giá đối thủ và đánh giá các HLV của mình. Họ dựa quá nhiều vào cảm tính mà quên mất những con số cụ thể khi bàn về năng lực của HLV mà mình thuê, bàn về chất lượng đội bóng mà mình đang có so với đối thủ.

HLV Miura lúc đó bị sa thải vì lý do hết sức chung chung là “không phù hợp”. HLV Nguyễn Hữu Thắng ngay sau đó được đặt vào vị trí của HLV Miura, với lời quảng cáo là sẽ cho đội tuyển chơi lối chơi phù hợp hơn.

... nhất là khi Công Phượng vẫn chưa hoà nhập với bóng đá đỉnh cao. (Ảnh: Trọng Vũ)

Chuyện phù hợp hay không phù hợp cho đến giờ, cho đến sau AFF Cup 2016 như thế nào dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng có lẽ nhiều người cũng đã có câu trả lời. Vấn đề cần bàn ở đây là nếu đã gọi là lối chơi phù hợp, nhưng lối chơi đấy không giúp chúng ta mạnh lên, không cải thiện được kết quả theo hướng tốt hơn, thì “phù hợp” ở đây phỏng có ích gì?

Tổng cục Thể dục - Thể thao có lý khi đặt ra chỉ tiêu vào chung kết cho đội tuyển U22 Việt Nam, tại SEA Games năm 2017. Chỉ tiêu đấy chắc chắn không quá thấp khi nhìn vào mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam so với bóng đá khu vực, khi so sánh chất lượng của chúng ta so với đại diện của nền bóng đá số 1 Đông Nam Á là Thái Lan.

Chỉ có điều, chỉ tiêu của Tổng cục TDTT lại vô tình phủ quyết những lời tuyên bố như trên... mây của một vài quan chức VFF ở thời điểm này năm ngoái.

Những tuyên bố hồi năm ngoái cũng đặt HLV Nguyễn Hữu Thắng của đội tuyển U22 Việt Nam vào thế khó trong năm nay. Không ai bảo chuyện xếp dưới Thái Lan ở bất kỳ giải đấu bóng đá nào là chuyện động trời, nhưng nếu thay hết HLV này đến HLV khác, gây áp lực bằng mọi giá để đuổi người cũ, dựng người mới mà vẫn không chắc thắng Thái thì người ta tìm bằng được HLV “phù hợp” để làm gì ?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(theo: Dân trí)