Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Indonesia sẽ tiếp tục các hoạt động tìm kiếm xuyên đêm 10/1. (Nguồn: CNN) |
Trả lời phỏng vấn kênh CNNIndonesia vào tối 10/1, ông Alvin nhắc lại rằng theo biểu đồ và dữ liệu chuyến bay, máy bay trên đã bị mất độ cao nghiêm trọng ở vị trí 10.000 feet và được nhìn lần cuối ở độ cao 250 feet trên mực nước biển.
Ông Alvin cho hay: “Tốc độ rơi thẳng đứng là gần 30.000 feet/phút. Do vậy, nếu ở độ cao 10.000 feet, chỉ mất 1/3 phút hoặc 20 giây để chạm mặt nước”. Chuyên gia này cũng nghi ngờ rằng chiếc SJ 182 đã bị mất hệ thống điều khiển như chiếc QZ 8501 của hãng Air Asia từng trải qua vào năm 2014.
Ông Alvin cũng cho rằng có thể là do máy bay hoạt động không ổn định và sau đó bị chòng chành ở tốc độ cao. Vụ tai nạn này không liên quan đến tuổi thọ của máy bay. Theo ông, dù máy bay cũ song nếu bảo trì đúng cách thì sẽ không ảnh hưởng gì.
Trước đó, hãng hàng không Sriwijaya đã ngừng khai thác chiếc máy bay này trong khoảng thời gian từ ngày 23/3 đến ngày 23/10 năm ngoái song sau đó đã đưa vào khai thác trở lại.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 10/1, Chỉ huy Quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto xác nhận rằng lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy vị trí thân máy bay ở độ sâu 23 mét dưới mực nước biển và đang chuẩn bị trục vớt. Lực lượng này cũng đã phát hiện tín hiệu hộp đen phát ra từ đáy biển.
Chiến dịch tìm kiếm cứu nạn 62 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay Boeing 737-500 mang số hiệu SJ-182 của hãng hàng không Sriwijaya sẽ được tiếp tục tại vùng biển quanh Quần đảo Seribu ở phía Bắc thủ đô Jakarta trong suốt đêm 10/1.
Nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm
Giám đốc Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia kiêm Điều phối viên Chiến dịch trên, Thiếu tướng Rasman, khẳng định lực lượng này sẽ tiếp tục các hoạt động tìm kiếm xuyên đêm 10/1, song chỉ sử dụng các tàu trang bị thiết bị chuyên dụng như máy rà đáy biển và robot ngầm điều khiển từ xa (ROV).
Theo ông Rasman, hầu hết các thiết bị và các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục ở lại vị trí thay vì kết thúc vào lúc 5h chiều. Trong trường hợp phát hiện các vật thể khả nghi dưới đáy biển, các thiết bị sẽ ghi lại tọa độ để cung cấp cho đội thợ lặn vào ngày mai.
Ông Rasman cho biết tổng cộng 2.571 người từ nhiều lực lượng đã được huy động cho chiến dịch lần này cùng với một lượng thiết bị tàu thuyền hùng hậu, trong đó có 81 tàu thuyền các loại, 12 trực thăng và 32 thiết bị trên bộ.
Theo kế hoạch tác chiến trong ngày 11/1, lực lượng cứu hộ vẫn sẽ tập trung rà tìm tại 4 khu vực xung quanh Quần đảo Seribu với diện tích 2 hải lý. Hình thức tìm kiếm vẫn được giữ nguyên song cụ thể hơn sau khi tọa độ phần thân chiếc máy bay gặp nạn đã được xác định.
Theo hãng thông tấn chính thức Antara, chiếc máy bay Boeing 737-500 mang số hiệu SJ 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air đã mất liên lạc vào lúc 14h40 (giờ địa phương) ngày 9/1 tại vị trí cách Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta khoảng 11 hải lý về phía Bắc.
Dữ liệu của ứng dụng theo dõi các chuyến bay FlightRadar24 cho thấy 4 phút sau khi cất cánh, máy bay này "đã mất độ cao hơn 10.000 feet (khoảng 3.000 m) trong chưa đầy 1 phút".