Lo ngại NATO, Nga trang bị tiêm kích tối tân Su-30SM2 cho Hạm đội Baltic. (Nguồn: Iz.ru) |
Theo báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Nga, trong 6 tháng đầu năm 2021, các máy bay tiêm kích thuộc Hạm đội Balticcủa Nga phải cất cánh hơn 70 lần để đánh chặn các máy bay chiến đấu (kể cả F-35) của các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Có thể nói khu vực Biển Baltic là nơi phi công của Nga và NATO thường xuyên "chạm chán" hơn cả.
Những năm gần đây, các nước thành viên của NATO ở khu vực Baltic đang tích cực hiện đại hóa lực lượng không quân của mình. Những chiếc tiêm kích F-16 đang dần dần được thay thế bằng F-35 tân tiến hơn.
Mới đây, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 32 chiếc F-35 của Mỹ. Đan Mạch cũng đạt thỏa thuận mua 27 chiếc F-35. Trước đó, Hà Lan và Na Uy cũng trang bị loại siêu tiêm kích có khả năng tàng hình này.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga nhận định tình hình an ninh ở khu vực phía Tây đang bị đe dọa. Nhằm ứng phó với những nguy cơ phát sinh, Bộ Quốc phòng Nga chỉ đạo phải thành lập nhiều đơn vị quân đội mới, tiến hành tái trang bị các đơn vị hiện có, tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Hạm đội Baltic, củng cố các căn cứ quân sự trong khu vực.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Quốc phòng Nga quyết định từ nay đến cuối năm sẽ trang bị cho Hạm đội Baltic phiên bản tiêm kích siêu cơ động Su-30SM2 tối tân thay thế cho Su-27, góp phần nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu cho không lực của Hạm đội Baltic.
Kaliningrad là nơi đầu tiên được quân đội Nga trang bị Su-30SM2. Đây là tiền đồn duy nhất của Nga nằm tách rời với đất liền, vì vậy, việc trang bị những vũ khí tối tân nhất sẽ tăng khả năng phòng vệ và đứng vững trước những biến cố, xung đột - một nhiệm vụ rất quan trọng.
Theo đó, trong những tháng cuối năm 2021, Thời gian từ nay đến cuối năm, Trung đoàn không quân số 4 và số 689 của Hạm đội Baltic là những đơn vị đầu tiên được nhận Su-30SM2.
Su-30SM2 là thế hệ máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga được chế tạo để trang bị cho hải quân. Về khả năng tác chiến, Su-30SM2 có thể tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), những mục tiêu trên mặt đất và trên biển của đối phương.
Mới đây, Tư lệnh không quân của Hạm đội Baltic Andrey Kosterin cũng khẳng định điều này khi tuyên bố: "Năm nay, lực lượng không quân của Hạm đội Baltic sẽ được tiếp nhận 4 máy bay mới (mẫu mã và chủng loại không được tiết lộ), 1 máy bay vận tải An-140 và 4 máy bay trực thăng".
Tiêm kích Su-30SM2 được phát triển dựa trên những kinh nghiệm chiến trường Syria, kết hợp với những cải tiến kỹ thuật để tích hợp thống nhất với Su-35 thế hệ 4. Động cơ AL-31FP được thay bằng động cơ AL-41F-1S, vecto đẩy có thể điều chỉnh ra các hướng.
Ngoài ra, Su-30SM2 còn được trang bị rada mạnh Irbis, giúp cho phi công có thể phát hiện được mục tiêu nhỏ hơn và ở cự ly xa hơn.
Đặc biệt, Su-30SM2 được lắp hệ thống thông tin và truyền dữ liệu nhiều kênh (hệ thống thông tin này được phát triển giành cho tiêm kích thế hệ 5). Do vậy, phi công có thể giao tiếp với các máy bay khác, với các máy bay trực thăng, và với cả trạm chỉ huy mặt đất. Cũng bởi vậy, Su-30SM2 có thể coi là điểm chỉ huy di động hiện đại trong chuỗi các sở chỉ huy cấp chiến thuật. Tiêm kích Su-30SM2 được trang bị tên lửa chính xác cao cùng thiết bị tiệu diệt hạm.
Về cấu tạo, Su-30SM2 có tỷ lệ nội địa hóa cao, khả năng tác chiến điện tử của tiêm kích mới được gia tăng, giúp máy bay có thể tránh được những đợt tấn công bằng tên lửa của đối phương.