📞

Chiến dịch sơ tán công dân ở Myanmar: Cuộc chạy đua với thời gian

Chu An 07:05 | 09/12/2023
Ông Doãn Hoàng Minh, Cục trưởng Cục Lãnh sự trả lời phỏng vấn báo TG&VN về đợt thứ nhất của chiến dịch sơ tán công dân ở Myanmar về Việt Nam.

Đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/12, các chuyến bay cuối cùng của đợt sơ tán thứ nhất đã về đến Việt Nam, đưa về nước hơn 1.000 công dân bị mắc kẹt tại khu vực phía Bắc bang Shan, Myanmar. Đây là những nỗ lực rất lớn của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp và quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Báo TG&VN xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Doãn Hoàng Minh, Cục trưởng Cục Lãnh sự về chiến dịch sơ tán này.

Nhóm công dân Việt Nam từ Myanmar về nước ngày 6/12. (Nguồn: Bộ Công an)

Xin ông cho biết tình hình công dân Việt Nam tại khu vực phía bắc Myanmar trước thời điểm diễn ra chiến dịch sơ tán? Đâu là lý do dẫn đến tình trạng công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở khu vực này?

Đây là một câu chuyện dài, có lẽ phải quay về thời điểm cuối tháng 10/2023, khi chúng tôi nhận được những thông tin đầu tiên về tình hình khó khăn công dân Việt Nam tại khu vực phía Bắc Myanmar.

Khi đó, các cơ sở sòng bạc, trò chơi trực tuyến ở khu vực này bị truy quét, đóng cửa. Ban đầu, chúng tôi được biết có khoảng 160 công dân đã được giải cứu và cần được hỗ trợ đưa về nước. Tình hình nhanh chóng trở nên phức tạp khi giao tranh giữa các lực lượng khác nhau ở khu vực này bùng phát, khiến các cơ sở kinh doanh ở đây đồng loạt đóng cửa, sa thải hàng loạt người lao động, trong đó rất đông người nước ngoài.

Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar báo về cho biết con số ước tính về công dân Việt Nam bị mất việc liên tục tăng, dự kiến có thể lên tới hàng nghìn người. Xung đột căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của công dân khiến con đường di chuyển trở về trở nên nguy hiểm. Chúng tôi nhận thức rõ hơn bao giờ hết, công dân ta đã bị mắc kẹt tại khu vực và cần sự can thiệp của Nhà nước để hỗ trợ, sơ tán về nước.

Cũng phải nói thêm, hầu hết những công dân này đều là những người bị dụ dỗ với những chào mời như “việc nhẹ lương cao”, sang làm việc cho các cơ sở đánh bạc trực tuyến ở Myanmar. Nhiều bà con bị chủ sử dụng lao động thu giữ giấy tờ tùy thân.

Vậy xin ông cho biết, công tác sơ tán đã được triển khai như thế nào? Các kết quả đạt được đến nay?

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Chúng tôi đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar khẩn trương tìm hiểu, xác minh thông tin, nắm bắt tình hình thực tế của công dân; trao đổi với chính quyền sở tại, đề nghị có biện pháp hỗ trợ và bảo vệ an toàn cho công dân Việt Nam. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện ở khu vực khẩn trương nghiên cứu, tìm con đường an toàn và thuận lợi nhất để đưa công dân về nước.

Trong quá trình tổ chức các chuyến bay, chúng tôi nhận được sự liên hệ của Ai Cập, Malaysia và Singapore đề nghị hỗ trợ đưa công dân rời Myanmar. Trên tinh thần quan hệ hữu nghị, đoàn kết quốc tế, chúng tôi xác định đây là điều nên làm và đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ, cho phép đưa các công dân nước ngoài này rời Myanmar. Sự hỗ trợ này của chúng ta được các nước bạn đánh giá rất cao và đặc biệt cảm ơn.

Ở trong nước, Bộ Ngoại giao đã chủ động kiến nghị Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo gấp về chủ trương giải quyết các vấn đề đặt ra. Bộ Ngoại giao cũng tổ chức và chủ trì 3 cuộc họp liên Bộ và rất nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về bảo hộ công dân để tìm giải pháp xử lý các khó khăn về xác minh nhân thân, con đường di chuyển và tài chính. Rất nhanh chóng, Nhóm làm việc liên ngành và Đoàn công tác trên thực địa được thành lập, đi đến địa bàn và triển khai hành động, lấy mốc thời gian 4/12 để bắt đầu sơ tán công dân.

Trong 3 ngày liên tiếp từ 4-6/12, đoàn công tác liên ngành đã được triển khai trên thực địa để trực tiếp hỗ trợ công dân và phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước tổ chức thành công 9 chuyến bay thuê chuyến, đưa về Việt Nam an toàn hơn 1000 công dân Việt Nam, đa số là thanh niên trẻ, trong đó có cả thiếu niên, trẻ em (có 1 bé sơ sinh mới 2 ngày tuổi)... Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, với tinh thần nhân đạo, đưa công dân ra khỏi khu vực càng nhanh càng tốt, tất cả các chuyến bay đều được Chính phủ chi trả toàn bộ kinh phí.

Xin ông cho biết đâu là những khó khăn đặt ra với công tác sơ tán công dân?

Thực sự, giải cứu công dân khỏi những khu vực xảy ra xung đột vũ trang chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Thứ nhất, khu vực công dân bị mắc kẹt ở rất xa thủ đô và thành phố lớn của Myanmar. Khi giao tranh nổ ra lại bị mất điện, không có Internet nên công tác tiếp cận, tìm hiểu thông tin là cực kỳ khó khăn đối với cơ quan đại diện. Trong khi đó tình hình chiến sự diễn biến nhanh, chúng tôi phải chạy đua với thời gian để nhanh chóng đưa công dân an toàn về nước.

Thứ hai, như đã nói ở trên, số lượng công dân Viêt Nam đông, lên tới cả nghìn người, lại thuộc diện lao động tự do, hơn một nửa bị chủ sử dụng lao động thu giữ hộ chiếu nên mất nhiều thời gian để xác minh nhân thân làm cơ sở cho việc cấp giấy tờ đi lại. Thực tế là khi chúng tôi triển khai công tác sơ tán vẫn tiếp tục có công dân Việt Nam ở khu vực này liên hệ để yêu cầu bảo hộ.

"Để đi làm việc ở nước ngoài, công dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, nhân thân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng…

Chúng tôi khuyến cáo công dân cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc lương cao nhưng không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động… tránh gặp phải những rắc rối pháp lý ở nước ngoài, cũng như những vấn đề đe dọa an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của bản thân".

Doãn Hoàng Minh

Cục trưởng Cục Lãnh sự

Thứ ba là việc xây dựng phương án sơ tán, tìm phương tiện, con đường di chuyển an toàn rất khó khăn. Các cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự ta ở nước ngoài phải phối hợp chặt chẽ, trao đổi nhiều lần với các nước liên quan để có thể chốt phương án đưa công dân về nước sao cho thuận lợi nhất, an toàn nhất.

Cuối cùng là hạn chế về nhân sự khi các cơ quan đại diện liên quan đều có quy mô nhỏ. Việc triển khai hỗ trợ tới cả nghìn công dân tạo ra không ít áp lực, vất vả cho cán bộ. Nhiều vấn đề phát sinh, chưa có quy định khiến các cơ quan gặp nhiều khó khăn, phải đợi các cơ quan trong nước trao đổi, xin ý kiến cấp trên quyết định.

Tuy vậy, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ rất quý báu.

Trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trong việc bảo hộ công dân, đặt an toàn về tính mạng của công dân là ưu tiên hàng đầu. Lãnh đạo Chính phủ đã nhanh chóng quyết định sử dụng ngân sách Nhà nước để đưa tất cả công dân về nước, xử lý kịp thời các vướng mắc về kinh phí.

Thứ hai, là sự hỗ trợ nhiệt tình của các nước đối tác, không chỉ trong quá trình di chuyển công dân mà còn cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu về ăn, ở, trợ giúp y tế cho công dân ta.

Thứ ba là việc phản ứng nhanh, kịp thời, khoa học và nỗ lực không kể ngày đêm của các cán bộ ngoại giao ở trong, ngoài nước và sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải. Qua đây, tôi cũng xin một lần nữa cảm ơn các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để giải quyết khó khăn to lớn này.

Theo tôi được biết, trong đợt này, chúng ta cũng hỗ trợ một số công dân nước ngoài rời Myanmar, xin ông cho biết thêm về việc này?

Trong quá trình tổ chức các chuyến bay, chúng tôi nhận được sự liên hệ của Ai Cập, Malaysia và Singapore đề nghị hỗ trợ đưa công dân rời Myanmar. Trên tinh thần quan hệ hữu nghị, đoàn kết quốc tế, chúng tôi xác định đây là điều nên làm và đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ, cho phép đưa các công dân nước ngoài này rời Myanmar. Sự hỗ trợ này của chúng ta được các nước bạn đánh giá rất cao và đặc biệt cảm ơn.

Công dân được sơ tán từ Myanmar về đến sân bay Nội Bài hôm 5/12. (Nguồn: TTXVN)

Hiện còn bao nhiêu công dân ta bị mắc kẹt tại Myanmar, kế hoạch tiếp theo của chúng ta để sơ tán công dân là gì?

Theo Đại sứ quán ta tại Myanmar, hiện nay vẫn còn một số cá nhân được cho là công dân Việt Nam, đang mắc kẹt tại khu vực phía Bắc Myanmar do tình hình xung đột vũ trang tại đây. Con số cuối cùng chưa được xác định do còn cần cơ quan chức năng xác minh nhân thân. Tuy nhiên, chắc chắn, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các quốc gia trong khu vực để khẩn trương xác minh nhân thân và đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khoẻ, quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.

Ông có khuyến cáo gì cho công dân có nhu cầu tìm việc ở nước ngoài?

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Chính phủ Việt Nam, góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập, nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ cho người lao động. Trong những năm qua, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về cơ bản đã được triển khai rất nghiêm túc, số lượng tăng nhanh qua từng năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động.

Tuy nhiên, để đi làm việc ở nước ngoài, công dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, nhân thân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng… Chúng tôi khuyến cáo công dân cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc lương cao nhưng không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động… tránh gặp phải những rắc rối pháp lý ở nước ngoài, cũng như những vấn đề đe dọa an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của bản thân.

Xin cảm ơn ông.