📞

“Chiến lợi phẩm” của Tổng thống Putin

16:30 | 21/12/2018
Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lực lượng khỏi Syria đã mang lại một thắng lợi hiếm hoi và hiển nhiên cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các đồng minh với Mỹ liên quan tới quyết định rút quân khỏi Syria lại giúp ông Putin “chạm tay” được vào mục tiêu dài hạn của mình.

Quyết định "đúng đắn" 

Với việc Mỹ rút quân, Nga sẽ trở thành một cường quốc quốc tế đóng vai trò trung gian không thể bị thách thức tại đất nước Trung Đông bị chiến tranh tàn phá. Moscow cũng sẽ gặt hái được cơ hội để củng cố chiến thắng trên toàn lãnh thổ Syria nhằm trợ giúp đồng minh của mình là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Lực lượng Dân chủ Syria và binh sĩ Mỹ tuần tra ở Hasakah - Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4/11. (Nguồn: Reuters)

Trong cuộc họp báo cuối năm, vào ngày 20/12, lãnh đạo Nga đã ca ngợi quyết định của Mỹ là “đúng đắn”, đồng tình với ông Trump rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phần lớn bị đánh bại.  “Về vấn đề này, ông Donald Trump đã đúng. Tôi đồng ý với ông ấy”, Tổng thống Putin nói. 

Quyết định của ông Trump làm sửng sốt nhiều đồng minh của Mỹ và đi ngược lại các tuyên bố trước đó của giới chức quân sự và ngoại giao nước này. Với ông Putin, dù chính ông cũng giận dữ trước các đòn trừng phạt của ông Trump và các cuộc không kích vào Syria, nhưng tính chất bất ngờ của phong cách điều hành của ông Trump lại hoàn toàn đem lại lợi thế cho ông Putin. 

Andrew Weiss, học giả về Nga tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie bình luận: “Khi đánh giá về ông Trump, Kremlin có hai quan điểm: Một mặt là căm ghét tính chất khó đoán định và thiếu sự phối hợp, song mặt khác lại rất yêu thích những hỗn loạn mà ông Trump gây ra”. Chuyên gia này nhận định: "Bất kỳ điều gì hủy hoại mạng lưới đồng minh của Mỹ và hình ảnh nước này như một đối tác ổn định và đáng tin cậy đều là chiến thắng chung cuộc cho Moscow”. 

Tổng thống Trump đã bảo vệ quyết định của mình khi chạm đến sự bất bình của công chúng về các chiến dịch quân sự của Mỹ kéo dài nhiều năm và tốn kém ở Trung Đông và Nam Á không đem lại chiến thắng nào. Trump bình luận trên Twitter: “Mỹ muốn làm cảnh sát của Trung Đông hay không, chẳng được lợi lộc gì mà lại gây thương vong và hao tốn hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ những người mà phần lớn không đánh giá đúng những gì chúng ta đang làm?".

Sát cánh cùng đồng minh chiến đấu đến cùng

Giới chỉ trích cho rằng, ông Trump đã phớt lờ mối đe dọa mà IS gây ra cho Mỹ và đồng minh khi quyết định rút quân. Thế nhưng, giới phân tích nhận định, sự bất bình và tranh cãi về vấn đề này giữa các đồng minh Mỹ lại dường như làm hài lòng ông Putin, người lâu nay muốn phá vỡ sự thống nhất và đoàn kết của các nước phương Tây.

Sự bối rối và hoang mang giữa Mỹ và các đồng minh gần gũi nhất lại củng cố cho thông điệp mà ông Putin lâu nay gửi cho các đối tác của Nga ở Trung Đông rằng, Moscow là một đồng minh có thể tin cậy được và một đồng minh sẽ chiến đấu đến cùng. 

Nga lâu nay đã "dính chặt" với chính quyền Tổng thống Bashar al Assad cho dù đối mặt với sức ép quốc tế và các lệnh trừng phạt gia tăng. Moscow coi chính quyền Damascus là một đối tác trung thành ở Trung Đông. Nga đã giúp hạ nhiệt cuộc nội chiến Syria sau khi can thiệp hồi năm 2015 bằng các cuộc oanh kích yểm trợ cho các lực lượng của ông Assad.

Sau tất cả, ông Putin chính là người sát cánh cùng đồng minh Syria chiến đấu tới cùng. (Nguồn: Reurers)

Đây là lần đầu tiên Nga can dự quy mô lớn vào một cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ, kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Giới phân tích nhận xét, với ông Putin, điều này có nhiều ý nghĩa. Khi làm trụ cột chống lưng cho đồng minh Assad, ông Putin muốn gửi đi thông điệp rằng, giới lãnh đạo phương Tây không thể bị lực lượng bên ngoài hạ bệ, một âm mưu mà Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria cũng là cách để Moscow tái thiết lập tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, phô diễn sức mạnh quân sự và gán cho mình danh hiệu là cường quốc hồi sinh, khó có thể bị các nước phương Tây hạ bệ.

“Nga đã trở thành một cường quốc đóng vai trò trung gian ở Trung Đông”, Angela Stent, chuyên gia về Nga tại Đại học Georgetown bình luận.  Chuyên gia này giải thích, Nga là cường quốc duy nhất có thể đàm phán với các nhà nước Hồi giáo theo dòng Shia và Sunni, Israel, phong trào Hồi giáo Hamas, nhóm Hezbollah và các lực lượng người Kurd. Nga đang ấp ủ các kế hoạch thúc đẩy các cuộc hội đàm với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, một triển vọng mà Moscow thấy thuận lợi và có khả năng nhiều hơn khi Mỹ có thể rút khỏi cuộc chiến ở Syria. Đó là lý do mà ông Putin miêu tả quyết định của Trump là “đúng đắn” và rằng, IS đã bị "đánh bại" dù giới phân tích cho rằng, IS vẫn là một lực lượng gây chết chóc. 

Sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các đồng minh với Mỹ liên quan đến quyết định rút quân khỏi Syria lại giúp ông Putin “chạm tay” được vào mục tiêu dài hạn của mình. Phát biểu tại Munich hồi năm 2007, Putin đã chỉ trích trật tự thế giới đơn cực do Mỹ dẫn dắt là không công bằng và từ đó luôn tìm cách để tái thiết lập Moscow thành một cường quốc thế giới. 

(theo Washington Post)