Chỉ 2 tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc là Samsung, LG đã đổ vào Việt Nam 25-26 tỷ USD trong những năm qua. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Câu chuyện của Intel
Vào ngày làm việc cuối cùng của tuần trước, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Intel (Mỹ). Thông tin chi tiết không được tiết lộ, song nhiều khả năng cuộc họp liên quan đến kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo của nhà đầu tư Mỹ này tại Việt Nam, với quy mô lên tới nhiều tỷ USD.
Điều đó là sự thật, bởi trong chuyến thăm Mỹ hồi trung tuần tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Phó chủ tịch Điều hành khối sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel - Keyvan Esfarjani. Tại đó, ông Keyvan Esfarjani đã đánh giá cao vai trò rất quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của Intel và cho rằng, Việt Nam là nơi rất tiềm năng để các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng.
Chỉ 10 ngày sau cuộc gặp tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Patrick Gelsinger, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Intel tại trụ sở của Chính phủ ở Việt Nam.
Tại đây, sau khi nghe Thủ tướng đề nghị tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, không chỉ mở rộng sản xuất, mà còn đầu tư chiều sâu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, ông Patrick Gelsinger cho biết, Intel đã quyết định tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với quy mô gấp nhiều lần hiện nay.
Intel đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 1 tỷ USD. “Gấp nhiều lần hiện nay” có nghĩa quy mô đầu tư giai đoạn II của Intel sẽ không hề nhỏ. Khoản đầu tư này của Intel có thể lại là sự mở đầu cho một chương tiếp theo của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Ít ngày trước, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, với rất nhiều định hướng và mục tiêu quan trọng, mà một trong số đó là thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.
Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 cũng đưa ra các mục tiêu quan trọng khác, như nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030. Các đối tác này bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines ở châu Á; Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh ở châu Âu; và Mỹ.
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Mỹ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam.
Xét ở cả 3 góc độ, công nghệ cao, thuộc top Fortune 500 và xuất xứ đối tác đầu tư, Intel đều là “đích ngắm” của Việt Nam. Intel là tập đoàn công nghệ của Mỹ, đứng đầu toàn cầu về sản xuất chipset và vào năm 2020, đứng thứ 45 trong danh sách Fortune 500.
Trông Âu-Mỹ, chờ tập đoàn lớn
Hơn 10 năm trước, sau khi Intel quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, hàng loạt “đại gia” công nghệ đã rầm rộ đổ vào Việt Nam. Bởi thế, khi Intel một lần nữa xuất hiện với khoản đầu tư “khủng” và rất có thể là một trong các nhà đầu tư đầu tiên được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt mà Chính phủ dành cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nhiều kỳ vọng lớn cũng được đặt ra.
Thực ra, mục tiêu thu hút các tập đoàn thuộc danh sách Fortune 500, hay các khoản đầu tư lớn từ Mỹ, Âu, từ các đối tác đầu tư truyền thống như Nhật, Hàn Quốc, Singapore… không phải là chuyện mới, mà đã được nhắc đến từ lâu.
Năm năm trước, khi Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã lên tiếng rằng, Việt Nam cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao thu hút đầu tư từ Mỹ - Âu, từ các tập đoàn lớn chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, sau 5 năm, kết quả không có nhiều cải thiện.
Khi công bố Báo cáo thường niên về FDI mới đây, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhắc đến một thực tế là đầu tư từ Âu - Mỹ còn khiêm tốn. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… vẫn là các đối tác đầu tư lớn nhất. “Tuy là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng Mỹ chỉ đứng vị trí thứ 11 trong các đối tác đầu tư của Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và nhắc đến câu chuyện tương tự đối với đầu tư từ EU.
Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhắc đến điều đó và lý giải rằng, thực trạng trên có thể xuất phát từ thực tế là vị trí địa lý của Việt Nam gần với các nước khu vực Đông Á và thuận lợi giao thương. Các nhà đầu tư châu Á cũng quen thuộc hơn với phong tục tập quán, môi trường, chính sách đầu tư của Việt Nam hơn. Chưa kể, Việt Nam đã ký nhiều FTA với các đối tác này.
“Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ chưa được tôn trọng, vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng nhái còn phổ biến; thủ tục hành chính còn phiền hà, mặc dù đã được cải thiện; tình trạng tham nhũng vặt tuy đã giảm nhưng vẫn phổ biến… là những trở ngại chính trong việc thu hút FDI từ EU và Mỹ”, ông Phan Hữu Thắng nhận định.
Thực ra, cơ hội thu hút đầu tư từ Mỹ và EU chưa bao giờ lớn như vậy đối với Việt Nam. Các chuyến công du của các nhà lãnh đạo đất nước tới châu Âu, tới Mỹ thời gian gần đây, với sự khẳng định về mối quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam, đã chứng minh điều này.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của Intel và gần đây là của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), với khoản đầu tư xanh có quy mô trên 1,3 tỷ USD cũng góp phần khẳng định rằng, có thể tới đây, đầu tư của Mỹ và EU sẽ đổ nhiều hơn nữa vào Việt Nam.
Theo thông tin được tờ DW (Đức) công bố cách đây ít ngày, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch đã thu hút sự chú ý của một số công ty lớn ở châu Âu. Ngoài LEGO, DW đã nhắc đến Brose, nhà cung cấp động cơ tự động hóa của Đức, đang cân nhắc đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan.
Mối quan tâm là có thật. Song câu chuyện hiện thời là làm sao để Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, cũng như các nhà đầu tư đến từ Mỹ - Âu. Bài toán đặt ra là làm sao để 5-10 năm nữa, sau khi thực hiện Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài 2021-2030, không còn phải đặt ra câu hỏi, vì sao đầu tư từ Mỹ và EU vẫn khiêm tốn nữa.