📞

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mốc son của đường lối kháng chiến toàn diện

Chu Văn 10:49 | 06/05/2022
Ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Thắng lợi đó là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó có kết quả thực hiện đường lối kháng chiến toàn diện của Đảng ta.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Nguồn: TTXVN)

Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn diện, quân và dân ta đã chủ động tiến công địch trên tất cả các mặt trận, từ quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến đấu tranh ngoại giao, qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kết hợp giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh chính quy

Trên mặt trận đấu tranh quân sự, nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh vũ trang và tổ chức quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Nhờ đó, chiến tranh nhân dân không ngừng phát triển trên địa bàn cả nước với phương thức tác chiến kết hợp giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh chính quy của các đơn vị bộ đội chủ lực.

Đặc biệt, bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, lực lượng chủ lực được tổ chức đến cấp đại đoàn và đến Chiến dịch Điện Biên Phủ phát triển khá nhanh các binh chủng pháo binh, phòng không. Với sự lớn mạnh của bộ đội chủ lực, chúng ta có điều kiện tổ chức các chiến dịch quy mô ngày càng lớn, tạo ra những “quả đấm thép” mang tính quyết định thắng lợi trên chiến trường, trong đó đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với sự phát triển cả về quy mô và cách đánh, lực lượng phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những đóng góp rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tương quan giữa ta và địch rất chênh lệch.

Riêng về không quân, thực dân Pháp có hai phi đoàn máy bay cường kích, một phi đoàn máy bay vận tải và một số máy bay chỉ huy, trinh sát; song quân và dân ta với vũ khí bộ binh, súng máy cao xạ thu được của địch đã dũng cảm, mưu trí chiến đấu, bắn rơi máy bay địch ở một số nơi.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, trong cuộc chiến này, những chiến công bắn rơi máy bay Pháp đã cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho quân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. Không quân Pháp không còn tự do làm chủ bầu trời Việt Nam như trước.

17h00 ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt nổ súng dội bão lửa xuống cụm cứ điểm Him Lam, phân khu Trung tâm, sân bay Mường Thanh. Pháo của ta bắn chính xác làm trận địa pháo của địch ở Mường Thanh bị tê liệt, 5 máy bay địch bị phá hủy, kho xăng bốc cháy.

Lần đầu tiên trong một trận đánh, quân ta áp chế được không quân Pháp trên bầu trời. Bộ đội Phòng không đã yểm trợ và tạo điều kiện cho bộ binh, pháo binh tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam sau 4 giờ chiến đấu quyết liệt.

Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã chiến đấu dũng cảm, nhiều pháo thủ hy sinh anh dũng, có đồng chí bị thương nặng nhưng vẫn không rời trận địa, tiếp tục chiến đấu, góp phần lập nên chiến công bắn rơi máy bay địch. Sự xuất hiện bất ngờ, có hiệu quả của Bộ đội Pháo phòng không trong những ngày đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho các tướng lĩnh Pháp ở Hà Nội và tập đoàn cứ điểm địch bất ngờ, lúng túng.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng phòng không cùng pháo binh, bộ binh đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không Chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay địch gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác.

Phát huy thế mạnh của hậu phương tại chỗ

Do tính chất căn bản của cuộc kháng chiến là chiến tranh nhân dân, mục đích tối cao của kháng chiến là đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nên Quân đội và nhân dân Việt Nam không chỉ đánh địch bằng quân sự mà còn đánh địch cả về mặt chính trị, đó cũng là cách để chúng ta phát huy ưu điểm của cuộc kháng chiến.

Với ý nghĩa đó, trên mặt trận đấu tranh chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí minh đã tuyên truyền, giáo dục, động viên chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc; phát huy sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lừa gạt và chia rẽ của địch, làm cho kẻ thù bị cô lập, suy yếu về chính trị, tạo thuận lợi cho các mặt đấu tranh khác.

Đặc biệt, trên mặt trận chính Tây Bắc, quân và dân nơi đây đã phát huy cao độ sức mạnh “thế trận lòng dân”; chủ động các phương án, kế hoạch tác chiến, tích cực đánh địch càn quét, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch cơ động, triển khai, tạo lập thế trận; đồng thời phối hợp với bộ đội chủ lực tiễu phỉ, trừ gian bảo vệ địa bàn, bảo vệ các huyết mạch giao thông.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của hậu phương tại chỗ, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng”, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng, hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo cho chiến dịch.

Nhiều phụ nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng, chẳng quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương... Bằng “thế trận lòng dân”, nhân dân Tây Bắc đã kịp thời cung cấp, bổ sung cho Chiến dịch hơn 7.310 tấn gạo (chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại mặt trận), 800 tấn rau tươi và động viên hơn 31.800 lượt dân công, với hàng chục triệu ngày công và hơn 900 ngựa thồ..., góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Quân và dân Tây Bắc đã cùng chung một lòng, cùng đồng chí hướng, dốc sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, động viên, phát huy cao độ lòng yêu nước, yêu chế độ của nhân dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, tạo ra khả năng to lớn để huy động sức người, sức của chi viện ngày càng nhiều cho tiền tuyến.

Phối hợp với mặt trận quân sự, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương, nhân dân đã tích cực tham gia nhiều cuộc đấu trang chính trị như mít tinh, biểu tình... khiến cho hậu phương địch từ nông thôn đến thành thị luôn náo động, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch giành toàn thắng.

Với truyền thống anh dũng chống ngoại xâm trong lịch sử, ý chí quật cường của cả dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã được phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù xâm lược.

Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, bằng tinh thần tự lực, tự cường, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, từng bước giành những thắng lợi quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Bên cạnh đó, chúng ta luôn chú trọng đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, làm nhân lên sức mạnh trên con đường đi đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói tiêng, Đảng ta luôn coi trọng sự đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia anh em. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó, sức mạnh chiến đấu của ba dân tộc được nhân lên gấp bội, còn kẻ thù phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên khắp chiến trường Đông Dương, tạo điều kiện để ta giành thắng lợi ở mặt trận chính Điện Biên Phủ.

68 năm trôi qua, nhưng đường lối "kháng chiến toàn diện" của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà biểu hiện tập trung nhất, thành tựu lớn nhất là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị.

Để vận dụng thành công bài học “kháng chiến toàn diện” này vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, quân và dân ta cần quán triệt, kiên quyết phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi lúc sinh thời.

(theo TTXVN)