📞

Chiến tranh năng lượng thế giới, Trung Quốc đang dần tiến đến vị trí dẫn đầu thị trường?

Minh Anh 14:45 | 16/12/2022
Đến nay, cạnh tranh quyền thống trị giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là sự chạy đua về đầu đạn hạt nhân, tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu sân bay, mà còn mở rộng đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, lương thực và năng lượng.
Chiến tranh năng lượng thế giới, Trung Quốc đang tiến đến vị trí dẫn đầu? Ảnh minh họa. (Nguồn:iea.org)

Một thứ vũ khí tấn công hữu hiệu?

Nếu nhìn vào trường hợp của Đức, ta có thể thấy sự cám dỗ của việc phụ thuộc đặc biệt vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga không chỉ đơn giản là một sai lầm chính sách. Mà đó là thứ đã ăn sâu bám rễ vào mọi cấp độ của đời sống kinh tế, bao gồm cả những người tiêu dùng công nghiệp khí đốt tự nhiên, chính quyền khu vực và các bên liên quan khác…

Như GS. Margarita Balmaceda, ngành quan hệ quốc tế của Đại học Seton Hall thẳng thắn chỉ ra, nhiều ngành công nghiệp sản xuất cốt lõi, đặc biệt là ở Đức, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng của Nga, khiến nhu cầu về các giải pháp thay thế có thể tác động mạnh và trực tiếp đến các ngành sản xuất chính. Vị chuyên gia này lưu ý rằng, tiêu thụ khí đốt là một phần chính của chu trình sản xuất trong các ngành công nghiệp hóa chất, xi măng, thép và giấy của châu Âu – các ngành đang hỗ trợ khoảng 8 triệu việc làm ở khu vực này.

GS. Balmaceda nhận định, các cuộc tẩy chay năng lượng của Nga ở châu Âu có thể đã tạm thời cản trở được Nga lúc này, nhưng rồi họ sẽ tìm thấy các thị trường mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác.

“Điều rất quan trọng là phải hiểu rằng, câu chuyện này sẽ không kết thúc ở Liên minh châu Âu hay Bắc Mỹ. Mà nếu chúng ta không giải quyết các mối quan tâm về năng lượng thực sự của các quốc gia phía Nam bán cầu, chúng ta sẽ không thể tiến xa hơn trong tương lai, ngoài việc cố gắng giảm sức mạnh năng lượng của Nga”, GS. Margarita Balmaceda kết luận.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, năng lượng đã trở thành một thứ công cụ "tấn công" hữu hiệu. Đối với châu Âu, mặc dù nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga năm nay bị gián đoạn, sau đó tuyến đường ống vận chuyển khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị phá hoại làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong nửa đầu năm nay, khối lượng khí đốt tự nhiên mà Nga cung ứng cho châu Âu tương đương với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù có thiếu hụt trong nửa cuối năm, nhưng nguồn cung khí đốt từ Mỹ, Phần Lan, Ai Cập và Algeria vẫn giúp châu Âu đủ để ứng phó với mùa Đông khắc nghiệt của năm nay.

Dù vậy, mùa Đông năm 2023 có thể sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, đó mới chính là thời điểm khủng hoảng năng lượng của các quốc gia châu Âu.

Điều này là do Mỹ tiếp tục gia tăng trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Giới truyền thông Mỹ và châu Âu cho rằng, cuộc chiến năng lượng sẽ khiến cho Nga mất đi địa vị dẫn đầu của nước cung ứng năng lượng vốn có. Châu Âu sẽ không còn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, nước nào sẽ thay thế địa vị thống trị của Nga trong việc cung cấp năng lượng cho các nước châu Âu?

Đã bùng nổ và đang nóng lên?

Sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước Arab không thể chỉ đơn thuần coi là sự phát triển tự nhiên của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), mà cần phải đặc biệt quan sát dưới góc độ chiến tranh năng lượng và quyền thống trị năng lượng.

Tuần trước, chuyến thăm Arab Saudi và gặp các lãnh đạo Arab của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Ông Tập đã cùng lãnh đạo Saudi Arabia thiết lập "quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện", đồng thời lần lượt tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc gia lần đầu tiên với các nước Arab và các nước Vùng Vịnh.

Động thái này đã thu hút sự chú ý của các giới bên ngoài. Có người cho rằng đây là một cuộc đọ sức khác giữa Trung Quốc với Mỹ, chia rẽ Mỹ-Saudi Arabia và Mỹ với các nước thuộc thế giới Arab.

Trong khi đó, có thông tin cho rằng, Tổng thống Joe Biden sắp tổ chức hội nghị thượng định tương tự như vậy với một số quốc gia châu Phi, để “đối trọng với Trung Quốc.

Trên thực tế, nếu nghiên cứu Tuyên bố chung đưa ra sau khi Trung Quốc và Saudi Arabia ký "Thỏa thuận quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện" sẽ phát hiện rằng, hai bên nhấn mạnh "quan hệ Đối tác chiến lược quan trọng" về hợp tác năng lượng và hợp tác thương mại dầu mỏ.

Trung Quốc hoan nghênh vai trò của Saudi Arabia trong việc hỗ trợ sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu, đồng thời hoan nghênh Saudi Arabia là "nguồn cung cấp dầu thô chủ yếu đáng tin cậy" của Trung Quốc.

Đương nhiên, hợp tác trên lĩnh vực năng lượng giữa Trung Quốc và Saudi Arabia không chỉ giới hạn ở thương mại dầu mỏ, mà sẽ "tăng cường hợp tác" trên phương diện nghiên cứu phát triển công nghệ sản phẩm hóa dầu và khai thác năng lượng mới.

Xét từ góc độ năng lượng, hợp tác giữa Trung Quốc và Saudi Arabia cũng như các nước Arab vùng Vịnh khác trên thực tế đã làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến năng lượng thế giới.

Xét từ góc độ sở hữu và có được nguồn năng lượng, trong tương lai nước nào có quyền phát ngôn về thương mại năng lượng trong cộng đồng quốc tế mới là siêu cường thế giới thực sự. Do đó, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và các nước sản xuất dầu mỏ Arab đồng nghĩa với cuộc chiến năng lượng thế giới đã bùng nổ và đang nóng lên.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ hạn chế các nước châu Âu mua dầu mỏ của Nga và nước hưởng lợi nhiều nhất chính là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước này có thể mua dầu mỏ từ Nga với giá thấp hơn để kiếm được lợi nhuận cao hơn.

Trung Quốc hiện còn tăng cường hợp tác với các cường quốc sản xuất dầu mỏ Arab, nhấn mạnh thương mại năng lượng, nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Truyền thông quốc tế lưu ý đến việc Trung Quốc đề xuất dùng đồng Nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán trong thương mại dầu mỏ với các nước Arab. Dù đến nay vẫn chưa có nước nào hồi đáp đề nghị của Bắc Kinh, nhưng nếu chiến tranh tài chính thế giới do cuộc chiến năng lượng gây ra, thì địa vị thống trị thế giới của đồng USD sẽ không ngừng bị Nhân dân tệ thách thức.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 lên đến 87,3 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu Trung Quốc xuất khẩu sang Saudi Arabia là hàng dệt may, sản phẩm điện tử và máy móc.

Ngược lại, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu dầu mỏ và nhựa nguyên sinh từ Saudi Arabia. Năm 2000, xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia sang Trung Quốc chỉ 1,5 tỷ USD, nhưng đến năm 2010 đã vượt qua 25 tỷ USD.

Năm 2022, Công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu trị giá 10 tỷ USD ở Trung Quốc, là dự án đầu tư lớn nhất của Saudi Arabia ở Trung Quốc. Xét từ xu hướng phát triển này, "chiến tranh năng lượng" dường như là một lộ trình khác để Trung Quốc bứt lên, nắm giữ các yếu tố quan trọng đối với thế giới, ít nhất là về năng lượng.

(theo udn.com, mit.edu)