Hay nói một cách khác, nền kinh tế toàn cầu đang hoạt động rất tốt trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Chiến tranh thương mại có vẻ không quá tồi tệ.
Trên thực tế, “cuộc tấn công” toàn cầu hóa của Tổng thống Donald Trump đã có tác động ngược đối với dòng chảy thương mại thế giới. Việc vội vàng chốt những mức thuế mới, đặc biệt là đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu khẩu vào Mỹ, đã thúc đẩy các nhà bán lẻ và các công ty Mỹ tích cực gom các đơn hàng, khiến khối lượng hàng hóa lưu thông tại các cảng của nước này tăng mạnh.
Ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến 90 ngày. (Nguồn: Reuters) |
“Các nhà kho và trung tâm phân phối ở miền nam California đều đầy chặt hàng hóa”, ông Phillip Sanfield - người phát ngôn của cảng Los Angeles cho biết. Hiện chúng tôi đang gặp phải một số vấn đề về hậu cần tại các cảng San Pedro chỉ vì có quá nhiều hàng hóa đang cập cảng.
Tháng 12 bận rộn của các hải cảng
Sau một năm 2017 sôi động, cảng Los Angeles đã vận chuyển tương đương 9,3 triệu container - mức cao nhất trong lịch sử cảng này. Thêm một tháng 12 nữa bận rộn, báo hiệu một năm 2018 với con số kỷ lục mới, ông Sanfield tin tưởng. Lưu lượng hàng hóa lưu thông tại cảng Long Beach cũng đã tăng hơn 7,3% tính đến tháng 11, với tốc độ này chắc chắn lượng hàng hóa được xử lý sẽ vượt qua kỷ lục mà hãng đã đạt được hồi năm ngoái.
Có nhiều dấu hiệu khác cho thấy, thương mại quốc tế đã hoạt động tốt trong năm 2018, nhờ một phần không nhỏ vào một năm thương mại bận rộn ở Mỹ - “khách mua hàng” lớn nhất thế giới.
Dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, mặc dù Tổng thống Trump đã nỗ lực làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm do nước ngoài sản xuất, nước Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn về mặt giá trị, nhiều hơn cả hồi tháng 10. Xuất khẩu của Mỹ cũng đã xấp xỉ mức kỷ lục.
Hồi tháng 9, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,8 điểm phần trăm xuống còn 3,9%, thì nay mức tăng trưởng vẫn khá đều đặn bám sát các mức đã đạt được. Như năm 2016, khối lượng thương mại quốc tế chỉ tăng 1,8%.
“Nhiều người đã rất lo ngại, thậm chí chỉ nói tới những điều tồi tệ đối với thương mại thế giới khi những biện pháp hạn chế thương mại do Chính quyền Mỹ áp đặt liên tục được tung ra”, vị kinh tế gia trưởng của Tổ chức WTO Robert Koopman nói. Nhưng hiện tại, “chúng tôi nghĩ rằng, năm 2018 kết thúc với một kết quả khá vững chắc”.
Tác động ngược từ bên kia bờ Đại dương
Theo dự báo của WTO, tăng trưởng thương mại sẽ duy trì tương đối chắc chắn trong năm nay và năm tới. Tất nhiên, câu chuyện về thương mại toàn cầu năm 2018 sẽ có nhiều hệ quả, có ảnh hưởng không nhỏ tới các cảnh báo cho tương lai.
Ghi nhận về kết quả hoạt động tại các cảng ở Bờ Tây cho thấy, ít nhất đã có một xu hướng sẽ không thể làm ông Trump dễ chịu. Bởi theo đó, cuộc chiến thương mại của ông cho đến nay đã khiến lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm rõ rệt hơn là giảm nhập khẩu từ quốc gia châu Á này.
Lưu lượng container lưu thông tại cảng Long Beach vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó bao gồm cả sự gia tăng các container rỗng được vận chuyển trở lại châu Á. Chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, thống kê của cảng này đã ghi nhận được hơn 186.000 container rỗng được vận chuyển đi, nhiều hơn 11% so với năm ngoái.
Trong khi các nhà bán lẻ ở Mỹ đã đẩy mạnh việc gom hàng Trung Quốc để tránh thuế sau này (khi thời điểm mức thuế mới chính thức bị kích hoạt), thì “bạn có thể thấy một tác động ngược từ phía bên kia bờ Đại dương”, ông Mario Cordero - Giám đốc điều hành cảng Long Beach nhận định. “Các doanh nghiệp Trung Quốc dường như đã tìm được nguồn hàng hóa và nguyên liệu từ các nước khác, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ giảm bớt nhu cầu hàng hóa Mỹ, tức là sẽ ngày càng nhiều container rỗng hơn”.
Chẳng có gì chắc chắn
Trong khi đó, “điểm nóng” thương mại năm 2018 có thể kéo nhịp độ giao thương của năm 2019 chậm lại. Đó là một mối lo ngại đối với cảng Los Angeles - nơi có thể coi là một “chiến trường” trong cuộc đấu thuế quan, bởi không lâu nữa, các giao dịch mua bán chắc chắn sẽ không còn nhộn nhịp như trước.
Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hoạt động rất tốt trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. (Nguồn: Bloomberg) |
“Có lẽ chúng tôi sẽ phải chấp nhận sự sụt giảm trong hoạt động lưu thông hàng hóa tại nơi đây”, đại diện cảng Los Angeles Sanfield dự đoán.
Nhưng hiện tại vẫn chưa thể nói gì hay dự đoán bao giờ xu hướng gia tăng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ kết thúc.
Ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến, Nhà Trắng tạm thời trì hoãn 90 ngày trước khi quyết định tăng thuế đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một cuộc đàm phán cũng đã được lên kế hoạch vào tháng 1 và việc hoãn tăng thuế sẽ được kéo dài ít nhất là đến ngày 1/3.
Nhưng điều gì sẽ đến sau đó thì chưa ai có thể biết trước được, vì lệnh cấm có thể dễ dàng được kéo dài thêm 90 ngày nữa, nếu các cuộc đàm phán chẳng đạt được tiến bộ nào đáng kể. Đối với nhiều nhà bán lẻ, một động thái như vậy tức là vẫn chẳng có gì chắc chắn - và họ sẽ lại tiếp tục ”công cuộc” mua hàng từ Trung Quốc.
Điều đó đồng nghĩa với việc xu hướng dự trữ hàng hóa nhập khẩu từ các nhà cung ứng Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì, thay vì các động thái tìm kiếm, thay đổi các nhà cung ứng mới, Chuyên gia Jonathan Gold của Liên đoàn bán lẻ Mỹ nhận định.
”Nhiều nhà bán lẻ cũng đang cố gắng tìm nguồn cung thay thế cho các nhà cung ứng mà họ vốn đã mất khá nhiều năm để thiết lập. Nhưng vấn đề là cần phải có thời gian. Việc chuyển đổi một nhà cung cấp không giống như việc bật/tắt một chiếc công tắc đèn”.