Sau khi lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của Hội phối hợp với Tạp chí Sức khỏe và Môi trường phối hợp tổ chức Diễn đàn trên, có chủ đề gắn với vai trò, nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ “kinh tế xanh” là vấn đề Đảng, Nhà nước rất coi trọng. “Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và Nghị quyết 35 mà Chính phủ ban hành cũng đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. (Nguồn: VGP) |
Đối với những vấn đề cấp bách trong xử lý, khắc phục hậu quả hạn mặn diễn ra tại một số vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các cơ quan đã nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp trữ ngọt, giảm mặn ở vùng này và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng phát triển kinh tế xanh vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra ở Việt Nam, mà quan trọng nhất là nhận thức còn khác nhau về nội hàm kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đây là mục tiêu hay phương thức để phát triển. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi phải xử lý yêu cầu “kép” là giải quyết những tác động về kinh tế, môi trường do “kinh tế nâu” gây ra, nhưng mặt khác phải hướng tới kinh tế xanh và tăng trưởng xanh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.
“Đó là những bài toán khó giải trong điều kiện của Việt Nam và các nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc Hội cần nghiên cứu, giúp Chính phủ có đáp án về những vấn đề này, cũng như cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển xanh, vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế xanh như thế nào,…”, Phó Thủ tướng đặt hàng với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
Đại diện của Hội cho rằng đối với Việt Nam, con đường tiến tới nền kinh tế xanh gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể tới trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, môi trường đang xuống cấp, các ngành “kinh tế nâu” (sử dụng nhiều tài nguyên-PV) đang chiếm tỷ trọng cao.
Hội tin tưởng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ban hành trong thời gian qua là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; kiến nghị cần coi trọng vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.