Thủ tướng Merkel và lãnh đạo đảng PDP Guido Westerwelle |
Chia ly và tái hợp
Trong các cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức, do có quá nhiều đảng tham gia (29 đảng) nên thường không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối để tự đứng ra thành lập chính phủ riêng mà thường phải liên minh với đảng khác để hội đủ số phiếu cần thiết (47-48%). Điều đặc biệt là mỗi đảng có một màu sắc đặc trưng: Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel là màu đen, Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Ngoại trưởng Frank Walter Steinmeir là màu đỏ, Đảng Dân chủ tự do (FDP) màu vàng... Theo kết quả bầu cử ngày 27/9, CDU về nhất với 33,8% phiếu bầu, SPD về nhì với 23% phiếu bầu, FDP về ba với 14,6% phiếu bầu. Như vậy, CDU và FDP đã hội đủ số phiếu cần thiết (48%) để đứng ra thành lập chính phủ liên minh. Dân chúng Đức sẽ chứng kiến “cuộc chia ly” của liên minh Đen - Đỏ và chào đón “sự tái hợp” của liên minh Đen - Vàng. Việc “đổi màu” này đã được bà Merkel tuyên bố ngay từ trong chiến dịch tranh cử bởi trong 4 năm qua sự phối hợp giữa CDU và SPD không hiệu quả và tồn tại nhiều bất đồng.
Bà Merkel cho biết CDU sẽ đàm phán với FDP để xây dựng liên minh cầm quyền trong thời gian sớm nhất có thể và hai đảng sẽ đạt được một thỏa thuận liên minh trong vòng 1 tháng kể từ khi có kế quả bầu cử. Hai đảng trung hữu này sẽ phải thỏa hiệp về một loạt vấn đề như cắt giảm thuế, chính sách lao động và an ninh.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Liên minh mới đổi màu tại Đức sẽ không có thời gian để ngủ quên trên chiến thắng bởi nước Đức đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, thách thức lớn nhất của chính phủ mới hiện nay là đưa đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế và kiểm soát được thâm hụt ngân sách. Dự báo trong năm 2009, kinh tế Đức tiếp tục giảm 5%. Bà Merkel cho biết liên minh CDU – FDP sẽ cắt giảm 15 tỉ Euro thuế thu nhập để kích thích tăng trưởng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ ngân sách. Tuy nhiên, bài toán cân bằng giữa kích thích kinh tế và kiểm soát chi tiêu ngân sách không dễ thực hiện. Hơn nữa, đến nửa sau của nhiệm kỳ, chính phủ sẽ phải đối mặt với một loạt câu hỏi về cơ cấu: làm thế nào để cơ cấu lại thị trường lao động theo hướng linh hoạt hơn; cải cách hệ thống trợ cấp xã hội như thế nào để giảm áp lực tài chính cho người già… Sở dĩ bà Merkel chọn liên minh với FDP bởi đây là đảng có thiên hướng thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay, chính phủ mới thực sự cần những biện pháp mạnh để vực dậy nền kinh tế, tiếp tục duy trì vị thế là nền kinh tế đầu tàu trong EU và là nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Kinh tế cũng là một trong những chủ đề tranh cử chính và được xem là vũ khí quan trọng giúp bà Merkel tái cử.
Về đối ngoại, vấn đề trước mắt cần giải quyết là tranh chấp giữa Đức với các thành viên EU về tương lai của hãng sản xuất ô tô Đức Opel. Anh, Tây Ban Nha và Bỉ cáo buộc Berlin đã can thiệp vào hoạt động kinh doanh của công ty sản xuất phụ tùng Magna (Canada) và các đối tác Nga để cho việc tái cơ cấu Opel dẫn đến việc cắt giảm việc làm tại các nhà máy của Canada và Nga mà không hề ảnh hưởng tới thị trường lao động Đức. Nếu không sớm giải quyết tranh chấp này, Đức sẽ bị EU cắt giảm cứu trợ tài chính, đồng thời các quốc gia khác có các nhà máy của Opel sẽ không chia sẻ chi phí tái cơ cấu của tập đoàn này (lên tới 4,5 tỉ Euro).
Tuy nhiên, vấn đề đối ngoại nhạy cảm nhất có lẽ là vấn đề rút quân khỏi Afghanistan. Dư luận Đức phản đối việc gửi binh lính Đức tới Afghanistan nên trong nhiệm kỳ tới, bà Merkel sẽ phải có những bước đi và đặt ra những điều kiện cụ thể cho việc rút quân đội Đức khỏi quốc gia Nam Á này, đồng thời không làm phật lòng Mỹ và đồng minh NATO.
Người dân Đức và dư luận thế giới đang chờ đợi xem việc đổi màu liên minh sẽ đem lại thay đổi gì cho quốc gia này. Liệu liên minh Đen - Vàng có hiệu quả hơn liên minh Đen - Đỏ?
Trọng Phú