📞

Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19

Nguyễn Kim 16:21 | 24/07/2021
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay còn có sự bất cập trong ban hành một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần có văn bản ở tầm pháp lý cao hơn để tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Chiều 24/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Cần văn bản pháp lý ở tầm cao hơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị đã ban hành kết luận; Thường trực Ban Bí thư đã có công điện; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch Covid-19; Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, công điện kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta đã và đang cố gắng kiềm chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay còn có sự bất cập trong ban hành một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần có văn bản ở tầm pháp lý cao hơn để tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Y tế, hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Thế giới đã ghi nhận hơn 191 triệu ca mắc, trong đó hơn 4,1 triệu trường hợp tử vong do Covid-19. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các nước Châu Á, Châu Âu.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố; cả nước ghi nhận 86.957 ca đến ngày 23/7, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 335 trường hợp tử vong. Đợt dịch thứ tư đang gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

“Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ”, Bộ trưởng Y tế nói.

Về pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, từ lý do trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Có thể áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách

Về nội dung phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị đưa vào Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Trường hợp cần thiết phải ban hành, áp dụng các quy định khác với quy định của luật hiện hành thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp; khẩn trương rà soát các luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, trình Quốc hội.

Chiều 24/7, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Các quy định chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số Luật và Pháp lệnh do đã ban hành từ lâu nên một số quy định chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Về các nội dung đưa vào dự thảo Nghị quyết như tờ trình đã nêu, bà Nguyễn Thuý Anh cho hay, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết tương đối rộng nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cần rà soát, thu gọn để thể hiện một cách khái quát hơn.

Về việc quyết định áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định khác với quy định của Luật hoặc chưa được pháp luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí việc Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp, ban hành chưa được Luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Đối với việc áp dụng các biện pháp để ban hành chính sách có các quy định khác khác với các quy định của luật, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện và Chính phủ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về việc được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây cũng là nghị quyết hóa thực tiễn đã triển khai trong thời gian vừa qua, điều này cũng là cần thiết để xử lý các vấn đề cấp bách mà không có điều kiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền (nghị định, quyết định) nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các diễn biến của tình hình dịch bệnh, chỉ nên thực hiện có thời hạn, có thể đến hết năm 2022 và chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, bà Nguyễn Thuý Anh bày tỏ.

Bà Nguyễn Thuý Anh cũng cho biết thêm: “Về nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước trong dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa lại như sau: “Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Đối với việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa các tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra trong hoạt động này.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.