📞

Chính phủ họp với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Chu Văn 12:16 | 16/03/2024
Sáng nay (16/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Chính phủ họp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, thức đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng dự ở đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hộicho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Chúng ta cũng có Chương trình 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp.

Thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn và bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách này. Dù vậy, những điểm sáng như trên không nhiều. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.

Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252 ha so với năm 2020.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Theo Thủ tướng, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Toàn cảnh hội nghị.

Tiếp tục phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc

Cách đây gần 1 năm, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Sắp tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.

Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển nhà ở xã hội là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, với truyền thống văn hóa - lịch sử, đạo đức xã hội của dân tộc ta là lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Người đứng đầu Chính phủ điểm lại một số cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội như: Được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang…

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương.

Nhấn mạnh yêu cầu đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tập trung làm; phải đặt bài toán này trong tổng thể của các nguồn lực; Thủ tướng nói, cần suy nghĩ xem có vận dụng được kinh nghiệm nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây vào phát triển nhà ở xã hội hiện nay hay không?

Nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, sát dân nhất; tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng yêu cầu làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong phát triển nhà ở xã hội.

(theo VGP News)