Thủ tướng lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus nhấn mạnh sẽ thực hiện các chương trình cải cách sâu rộng. (Nguồn: AP) |
Ngày 2/9, Trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Dhaka, bà Helen Lafave nhấn mạnh Washington khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ lâm thời Bangladesh và tăng cường quan hệ với quốc gia Nam Á trên nhiều lĩnh vực.
Bà Helen cho biết, Đại sứ quán Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ lãnh sự trong tuần này để thúc đẩy quá trình xử lý thị thực nhằm hỗ trợ hàng nghìn sinh viên Bangladesh hiện theo học tại các trường đại học ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington cam kết hợp tác với Dhaka trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, quản trị và hỗ trợ người Rohingya.
Về phần mình, ông Yunus bày tỏ cảm ơn Mỹ vì chính sách hỗ trợ dành cho Bangladesh. Ông nhấn mạnh chính phủ lâm thời Bangladesh sẽ thực hiện các chương trình cải cách sâu rộng và tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào thời điểm hợp lý.
Ngoài ra, ông Yunus cũng nêu một số lo ngại về vấn đề người lao động và dân tộc thiểu số, đồng thời khẳng định mọi công dân Bangladesh đều được “Hiến pháp bảo vệ” và chính phủ lâm thời cam kết bảo đảm quyền con người của mọi công dân.
Trước đó cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi đã điện đàm với ông Yunus, chúc mừng chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2006 được tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh.
Người đứng đầu UNHCR đã mời ông Yunus tham dự hội nghị bàn về cuộc khủng hoảng người Rohingya bên lề khóa họp sắp tới của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York để tiếp tục trao đổi về vấn đề này.