RCEP sẽ là hiệp định thương mại đầu tiên của Nhật Bản với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. (Nguồn: asean.org) |
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama nhấn mạnh, RCEP sẽ là “nền tàng cho hoạt động thương mại ở châu Á”.
Ông bày tỏ hy vọng, Quốc hội Nhật Bản sẽ sớm thông qua dự luật này để “thiết lập trật tự kinh tế mong muốn trong khu vực” thông qua việc thực hiện RCEP.
Được ký vào tháng 11/2020, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đầu tiên của Nhật Bản với cả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ ba, trong lúc các cuộc thương lượng về hiệp định thương mại ba bên giữa các nước này vẫn chưa ngã ngũ.
Cùng với ba nước Đông Bắc Á, 12 nước khác tham gia ký kết RCEP gồm Australia, New Zealand và 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
RCEP sẽ giúp loại bỏ 91% thuế hàng hóa và hình thành các quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi các chuỗi cung ứng trong khu vực và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng đó cho doanh nghiệp.
Theo quy định, hiệp định này sẽ có hiệu lực sau khi được ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước khác phê chuẩn.
Cùng với RCEP, các nước tham gia ký kết hiệp định này còn ký kết thỏa thuận đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho sự quay lại của Ấn Độ bất chấp việc New Delhi rút khỏi tiến trình đàm phán về RCEP từ tháng 11/2019. Ấn Độ sẽ không bị áp dụng quy tắc cấm kết nạp thêm thành viên mới trong 18 tháng sau khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực.