Thủ tướng Pháp Michel Barnier phải đệ đơn từ chức lên Tổng thống sau khi mất tín nhiệm ở Quốc hội. (Nguồn: Reuters) |
Hãng thông tấn AFP cho hay, trong ngày 4/12, Hạ viện Pháp gồm 577 nghị sĩ đã tiến hành phiên họp để thảo luận về hai đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ thiểu số của Thủ tướng Michel Barnier.
Tin liên quan |
Ông Donald Trump chỉ định Đại sứ tại Pháp, là doanh nhân thành đạt và có mối liên hệ cá nhân đặc biệt |
Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), đã bỏ phiếu ủng hộ bãi nhiệm chính phủ thiểu số trung dung của ông Barnier, 73 tuổi, vượt mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực.
Với kết quả này, chính phủ của Thủ tướng Barnier là chính phủ đầu tiên của Pháp bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong hơn 60 năm qua. Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier giờ đây cần phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận.
Trước cuộc bỏ phiếu, ông Barnier đã bảo vệ quyết định của mình trong việc thông qua ngân sách an sinh xã hội năm 2025, nhấn mạnh rằng: "Tôi đã đưa ra quyết định này sau khi đã thể hiện tinh thần lắng nghe, tôn trọng và đối thoại, điều này đã giúp chính phủ cải thiện văn bản của mình hàng ngày về nhiều điểm quan trọng".
Ông cũng chỉ ra rằng, Pháp đang rơi vào một tình trạng thâm hụt lớn: "Thực tế này vẫn tồn tại, nó sẽ không biến mất bởi phép màu của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm".
Ngay sau khi có thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, cựu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen cho biết, bà không coi cuộc bỏ phiếu này là một "chiến thắng".
Bà nói với truyền hình Pháp TF1 rằng: "Lựa chọn mà chúng tôi đã đưa ra là để bảo vệ người Pháp" và không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp này.
Trong khi đó, người đứng đầu phe cánh tả trong quốc hội, thành viên đảng cực tả Nước Pháp Không khuất phục (LFI) Mathilde Panot phát biểu với các phóng viên: "Chúng tôi hiện đang kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức và kêu gọi bầu cử tổng thống sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng trầm trọng".
Điện Elysee cho hay, dự kiến, Tổng thống Pháp sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc trên truyền hình vào tối thứ Năm. Tuy nhiên, khả năng về việc ông Macron từ chức là khá thấp.
Trước đó, hôm 3/12, khi đang ở thăm Saudi Arabia, ông thậm chí bác bỏ điều này và tuyên bố: "Tôi đã được người dân Pháp bầu lên hai lần. Tôi vô cùng tự hào về điều này và sẽ tôn trọng sự tin tưởng của họ để phục vụ đất nước đến giây phút cuối cùng của nhiệm kỳ".
Tuy nhiên, nếu ông Macron có thể tiếp tục bổ nhiệm chính phủ mới, bất kỳ thủ tướng kế nhiệm nào cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự như ông Barnier trong việc thông qua các dự luật, bao gồm ngân sách năm 2025, do sự chia rẽ trong quốc hội với việc liên minh cầm quyền đã đánh mất thế đa số.
| Tin thế giới 4/12: Ông Trump nhúng tay, Ukraine có nhượng lãnh thổ để ngừng bắn? NATO phát cảnh báo Triều Tiên giữa lúc Hàn Quốc như 'vạc dầu sôi' Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua. |
| Tổng thống Pháp chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Attal Ngày 16/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal, trong bối cảnh quốc gia này vẫn ... |
| Pháp: Phe cánh tả cuối cùng cũng đồng thuận về ứng cử viên thủ tướng, Tổng thống Macron chưa vội bổ nhiệm Ngày 23/7, liên minh các đảng cánh tả của Pháp - Mặt trận Bình dân mới (NFP) - thông báo đã nhất trí đề cử ... |
| Chính phủ Pháp đối mặt nguy cơ sụp đổ Chính phủ Pháp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi các đảng cánh tả và cực hữu ngày 2/12 đồng loạt đệ trình ... |
| Tổng thống Pháp 'thu hoạch' lớn sau chuyến thăm Saudi Arabia, quyết định liên thủ vì Palestine Mới đây, trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Saudi Arabia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử nước chủ ... |