Ông Walid al-Muallem nêu rõ việc các lực lượng chính phủ giải phóng Aleppo và Palmyra, phá vòng vây ở Dier al-Zor - thành trì lớn cuối cùng của Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và xóa bỏ khủng bố ở nhiều khu vực của Syria chứng minh rằng chiến thắng đã trong tầm tay.
Ông Muallem cũng bác bỏ những cáo buộc của phương Tây cho rằng quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad có những hành động tàn ác nhằm vào dân thường, sử dụng vũ khí hóa học bị cấm...
LHQ đang lên kế hoạch một vòng đàm phán hòa bình mới trong những tuần tới giữa chính phủ và phe đối lập. Các vòng đàm phán trước đây không đạt nhiều tiến triển.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem. (Nguồn: AFP) |
Ông Muallem đã nhấn mạnh "ranh giới đỏ" trong các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian để chấm dứt chiến tranh tại Syria. Ông tuyên bố chính phủ của Syria bác bỏ "bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào các quyết định chính trị liên quan đến tương lai của Syria" và "chỉ có người Syria mới có quyền đưa ra quyết định như vây, cho dù bây giờ hoặc trong tương lai". Ông nêu rõ Damascus sẽ không bao giờ cúi đầu trước áp lực của quốc tế về việc chuyển giao chính trị để chấm dứt chính quyền Tổng thống Assad.
Cùng ngày 23/9, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin quân đội nước này và các lực lượng đồng minh đã giành lại 44 thị trấn và làng tại miền Trung và Đông Syria từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kể từ hôm 10/9.
Theo đó, những thắng lợi trên diễn ra tại vùng nông thôn tỉnh Deir al-Zour ở miền Đông, tỉnh Raqqa ở miền Bắc và tỉnh Hama miền Trung. Hàng trăm tay súng IS, trong đó có nhiều phần tử người Tunisia, Iraq và Saudi Arabia, đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch, đồng thời 19 trung tâm chỉ huy của IS bị phá hủy. Một nguồn tin quân sự cho biết IS cũng đang thất bại ở vùng ngoại ô phía Đông tỉnh Homs.
Những chiến dịch ở các khu vực nói trên là một phần trong cuộc tấn công quy mô lớn nhằm tiêu diệt các phần tử IS tại những vùng chủ chốt trên khắp Syria.
Theo thống kê, hơn 330.000 người đã thiệt mạng tại Syria và hàng triệu người phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn kể từ khi xung đột bùng phát tại nước này năm 2011.