Trong một tuyên bố, KRG đưa ra 3 đề xuất với Chính phủ trung ương và người dân Iraq cũng như dư luận quốc tế. Ba đề xuất gồm: dừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự tại khu tự trị người Kurd, "đóng băng" kết quả cuộc trưng cầu ý dân, tổ chức đối thoại cởi mở giữa KRG và chính phủ liên bang Iraq dựa trên cơ sở hiến pháp.
Chính quyền khu tự trị người Kurd đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập tại khu vực này ngày 25/9. (Nguồn: AP) |
Trước đó, ngày 24/10, cơ quan lập pháp của khu tự trị người Kurd đã quyết định tiến hành các cuộc bầu cử trong vòng 8 tháng tới, sau khi hoãn các cuộc bầu cử này trong bối cảnh căng thẳng với chính quyền trung ương Baghdad liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập vừa qua.
Các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và người đứng đầu khu vực người Kurd đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 1/11, song bị hoãn lại sau khi các lực lượng Iraq giành lại quyền kiểm soát một số vùng tranh chấp giữa chính quyền trung ương và khu tự trị người Kurd sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây tranh cãi.
Hiện chưa có thông báo ấn định ngày tổ chức bầu người đứng đầu KRG.
Theo kế hoạch ban đầu, các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau cuộc trưng cầu ý dân vốn được đa số người Kurd ủng hộ về quyền độc lập cho khu vực này tại Iraq hôm 25/9.
Căng thẳng tại Iraq leo thang sau khi chính quyền khu tự trị người Kurd tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập tại khu vực này bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương và các nước trong khu vực.
Chính phủ Iraq tuyên bố, cuộc trưng cầu ý dân là vi hiến, đồng thời áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhằm cô lập KRG. Hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều ủng hộ các biện pháp của Chính phủ Iraq, trong đó có việc đóng cửa biên giới và ngừng giao thương với vùng tự trị này.
Quân đội Iraq đã mở chiến dịch giành lại quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp giữa chính quyền trung ương với vùng tự trị người Kurd.
Ngày 20/10, Chính phủ Iraq thông báo các lực lượng chính phủ đã giành lại kiểm soát tất cả các khu vực tranh chấp ở miền Bắc nằm ngoài vùng tự trị người Kurd, trong đó có tỉnh Kirkuk nhiều dầu mỏ.
Việc mất quyền kiểm soát đối với các khu vực này đã giáng đòn nghiêm trọng vào nguồn tài chính của vùng tự trị, vốn chủ yếu dựa vào thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ ở Kirkuk.