Ngày 21/9, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã kêu gọi các bên chấm dứt việc triển khai máy bay chiến đấu tại “các khu vực quan trọng” ở Syria.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ gây thương vong cho dân thường, tương tự vụ ném bom hồi cuối tuần trước nhằm vào đoàn xe cứu trợ của LHQ gần thành phố Aleppo - diễn biến đã làm lung lay thỏa thuận “giảm bớt thù địch” mà ông và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vừa mới đạt được một tuần trước đó.
Câu chuyện không kích
Trong hơn 30 năm qua, liên minh quân sự quốc tế đã duy trì ba vùng cấm bay ở Bosnia, Libya và khu tự trị người Kurd ở phía Bắc Iraq. Tất cả các khu vực này cần phải có những lực lượng không quân trang bị tối tân của phương Tây để củng cố các lệnh cấm và khi cần thiết, họ có thể bắn hạ các máy bay tìm cách vi phạm. Tuy nhiên không quốc gia nào sẵn sàng ngừng hoạt động không kích và từ bỏ lợi thế chiến lược hiện có ở Syria.
Từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc nội chiến Syria, khi các máy bay và trực thăng của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu ném bom các khu vực dân sự, phe đối lập đã kêu gọi phương Tây thiết lập vùng cấm bay. Tuy nhiên, khi đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã từ chối đề nghị này. Thủ lĩnh các nhóm nổi dậy và các tổ chức xã hội tiếp tục khẳng định rằng một vùng cấm bay sẽ là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, mọi nỗ lực nhằm hiện thực hóa điều này đều dẫn đến nguy cơ đụng độ với các chiến đấu cơ của Nga.
Nếu trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama phải miễn cưỡng bước vào một cuộc chiến, thì đụng độ trên không với Moscow là điều ông không hề mong muốn trong những tháng cuối ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, sự đổ vỡ hoàn toàn của lệnh ngừng bắn, tiếp theo là các cuộc tấn công ồ ạt của Chính quyền Assad tại Aleppo đã buộc Ngoại trưởng Kerry phải mạo hiểm đưa ra một đề xuất vừa không tưởng, vừa đi ngược lại lập trường trước đó của Washington.
Lật hay không lật?
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ thay đổi 180 độ chính sách của mình. Sự thay đổi vấp phải nhiều chỉ trích nhất là việc Tổng thống Obama quyết định không ra lệnh tấn công Chính quyền Assad hồi tháng 9/2013, sau khi Damascus bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học tại vùng ngoại ô thủ đô, khiến 1.400 dân thường thiệt mạng.
Dù một năm trước đó từng tuyên bố rằng việc sử dụng vũ khí hóa học có thể là một “giới hạn đỏ” buộc Mỹ phải hành động nếu có một quốc gia nào đó vi phạm, song khi mọi chuyện diễn ra, Tổng thống Obama lại chấp nhận “chiếc phao cứu sinh” mà Nga dành cho Chính quyền Assad, cụ thể là giữ nguyên chế độ này để đổi lấy việc họ giải trừ kho vũ khí hóa học. Quyết định của ông Obama ba năm trước hiện vẫn được đánh giá là nhân tố làm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Trong một bài phỏng vấn trên The Atlantic (Mỹ) gần đây, Tổng thống Obama vẫn tỏ ra tự hào vì không phải dùng đến vũ lực. Ông hiện vẫn giữ quan điểm cho rằng việc ra lệnh phóng tên lửa Tomahawk sẽ không thể giúp phương Tây đạt được mục tiêu lật đổ chế độ Assad. Theo ông, việc lên kế hoạch tấn công không phải vì mục đích hiện thực hóa các đe dọa ấy mà là nhằm nhấn mạnh với chế độ Assad rằng nếu sử dụng vũ khí hóa học, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, khi nhìn vào sự hời hợt của Mỹ trong việc can thiệp vào cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria, người ta có thể cho rằng những gì diễn ra vào tháng 9/2013 không mang nhiều yếu tố quyết định. Tất cả chỉ là một trong chuỗi những hành động tránh né, “cam chịu”, và thậm chí là thay đổi thái độ tới mức chóng mặt, những điều vẫn tiếp diễn cho tới tận ngày hôm nay.
Lựa chọn đúng đắn của ông Obama
Thái độ của Mỹ đối với Nga cũng đã thay đổi. Một năm trước, khi những máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga được điều động đến Syria, Chính quyền Obama đã miêu tả đó là một sai lầm nghiêm trọng của Điện Kremlin và tuyên bố sẽ không hợp tác với Nga. Một vài tuần sau đó, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Nga đã bắt đầu tiến hành hợp tác. Trong thỏa thuận ngừng bắn mới đây mà hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga vừa đạt được, người ta cũng thấy có kế hoạch xây dựng một trung tâm tác chiến chung.
Các chính sách đối với quân nổi dậy ở Syria thậm chí còn thay đổi nhiều hơn – từ cấm vận hoàn toàn các mặt hàng cứu trợ, cho đến không hỗ trợ vũ khí sát thương và rồi đến hỗ trợ vũ khí cho các tổ chức “được công nhận”. Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện, Chính quyền Obama quyết định rằng Mỹ có thể triển khai lực lượng tại Syria, song chỉ nhằm vào IS. Mỹ cũng kêu gọi các nhóm nổi dậy mà họ đang hỗ trợ ngừng chiến đấu với quân đội Chính quyền Assad để tập trung vào mối đe dọa IS.
Những người chỉ trích ông Obama kích liệt nhất cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới việc Washington không hành động tại Syria là do lo sợ các cuộc đàm phán với Iran -điều mà ông hy vọng sẽ tạo ra một sự cân bằng chiến lược mới cho khu vực, sẽ đổ vỡ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn liên tục khẳng định rằng đã đưa ra lựa chọn đúng đắn khi cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy và kiềm chế không tấn công chế độ Assad vào năm 2013.