Chính quyền Myanmar tái tổ chức các cơ chế hợp tác BRI với Trung Quốc. |
Truyền thông Myanmar ngày 18/5 đưa tin, chính quyền quân sự Myanmar đã tổ chức lại 3 ủy ban quan trọng khi thúc đẩy kế hoạch thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị sau cuộc chính biến hôm 1/2 và các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hậu thuẫn chính quyền quân sự.
Tâm lý chống Trung Quốc đã tăng mạnh ở Myanmar sau cuộc chính biến. Những người biểu tình ủng hộ dân chủ kêu gọi người dân phản đối tất cả các dự án và tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc, sau khi chính quyền Bắc Kinh và Moscow ngăn nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án việc tiếp quản quân sự.
Hiện các nhà đầu tư quốc tế né tránh chính quyền quân sự, song Trung Quốc nằm trong nhóm thiểu số muốn hợp tác với giới lãnh đạo hiện nay tại Myanmar và đầu tư vào nước này.
Các thông báo chính thức mới nhất cho thấy chính quyền đã "phế truất" tất cả thành viên chính phủ dân sự trong Ủy ban hỗn hợp Hành lang Kinh tế Myanmar - Trung Quốc (CMEC) vào tháng 3 và bổ nhiệm nhân sự thay thế.
Ủy ban này đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác với Bắc Kinh để thực hiện các dự án phát triển kinh tế song phương liên quan đến BRI, bao gồm xác định các dự án trọng điểm, ký kết Biên bản ghi nhớ và tiến hành đàm phán cấp chính phủ.
Bắc Kinh đã ký thỏa thuận CMEC vào năm 2018 với chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vừa bị lật đổ. Hành lang Kinh tế Myanmar - Trung Quốc ước tính dài 1.700 km, là phần quan trọng của BRI và sẽ kết nối Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam ở Tây Nam Trung Quốc, với các trung tâm kinh tế lớn của Myanmar - đầu tiên là Mandalay ở miền Trung Myanmar, sau đó là phía Đông đến Yangon và phía Tây với Đặc khu kinh tế Kyaukphyu ở bang Rakhine.